• Tin 24h
  • Các loại hàng hóa cấm trong vận tải đường biển

Các loại hàng hóa cấm trong vận tải đường biển

Đường biển vốn là tuyến giao thông quan trọng trong việc giao thương hàng hóa toàn cầu. Nhưng có một số mặt hàng bị cầm vận chuyển theo tuyến đường này.

Đối với các ngành hàng xuất nhập khẩu, vận tải đường biển là một trong những hình thức vận chuyển hàng hóa ngày càng được phát triển vì những ưu điểm của nó. Ngoài việc có thể giao nhận các mặt hàng khối lượng và kích thước lớn, chi phí thấp, tuyến đường trên biển dễ dàng lưu thông...vận tải đường biển còn thúc đẩy quá trình giao thương giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Chính vì vậy mà việc kiểm soát hàng hóa được vận chuyển và giao nhận đối với vận tải đường biển được Nhà nước quy định rõ ràng để phòng tránh các trường hợp vi phạm ngành vận tải biển.

Các loại hàng hóa cấm trong vận tải đường biển

Bài viết này tổng hợp các loại hàng hóa cấm trong vận tải đường biển theo quy định của nhà nước Việt Nam để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên khi tham gia mua bán hàng hóa và vận tải đường biển.

1. Các loại hàng hóa cấm xuất khẩu:

- Các loại vũ khí, bao gồm: đạn dược, vật liệu nổ (trừ những vật liệu nổ dùng trong công nghiệp) và trang thiết bị kỹ thuật quân sự; vũ khí thô sơ như dao, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy...

- Hàng hóa là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội.

- Hàng hóa là các loại văn hóa phẩm thuộc diện cấm hoặc đã có quyết định đình chỉ phổ biến và lưu hành tại Việt Nam; các loại xuất bản phẩm thuộc diện cấm phổ biến và lưu hành tại Việt Nam; tem bưu chính thuộc diện cấm kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền theo quy định của Luật bưu chính.

- Các loại gỗ tròn, gỗ xẻ và gỗ từ rừng tự nhiên trong nước.

- Các sản phẩm được quy định là sản phẩm mật mã sử dụng để bảo vệ thông tin bí mật của Nhà nước Việt Nam.

- Các loại hóa chất độc được quy định trong Công ước cấm phát triển, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học; hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất.

2. Các loại hàng hóa cấm nhập khẩu:

- Các loại vũ khí, bao gồm: đạn dược, vật liệu nổ (trừ những vật liệu nổ dùng trong công nghiệp) và trang thiết bị kỹ thuật quân sự

- Các loại pháo nổ (trừ các loại pháo hiệu an toàn hàng hải theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải), đèn trời, các loại thiết bị gây nhiễu máy đo tốc độ phương tiện giao thông

- Hàng tiêu dùng đã qua sử dụng được quy định theo Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa

- Hàng hóa là sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng

- Hàng hóa là các loại tem bưu chính thuộc diện cấm kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền theo quy định của Luật Bưu chính; thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện không phù hợp với các quy hoạch tần số vô tuyến điện và quy chuẩn kỹ thuật có liên quan theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện.

- Các loại văn hóa phẩm thuộc diện cấm phổ biến và lưu hành hoặc đã có quyết định đình chỉ phổ biến và lưu hành tại Việt Nam.

- Các loại phương tiện vận tải tay lái bên phải (kể cả dạng tháo rời và dạng đã được chuyển đổi tay lái trước khi nhập khẩu vào Việt Nam), trừ các loại phương tiện chuyên dùng có tay lái bên phải hoạt động trong phạm vi hẹp và không tham gia giao thông gồm: xe cần cẩu; máy đào kênh rãnh; xe quét đường, tưới đường; xe chở rác và chất thải sinh hoạt; xe thi công mặt đường; xe chở khách trong sân bay; xe nâng hàng trong kho, cảng; xe bơm bê tông; xe chỉ di chuyển trong sân golf, công viên

- Các loại ô tô và bộ linh kiện lắp ráp ô tô bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ; các loại mô tô, xe máy chuyên dùng, xe gắn máy bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ.

- Hóa chất trong Phụ lục III Công ước Rotterdam: thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam; phế liệu, phế thải và thiết bị làm lạnh sử dụng C.F.C; sản phẩm và vật liệu có chứa amiang thuộc nhóm amfibole.

Các chính sách và quy định của Nhà nước nhằm nỗ lực ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và buôn lậu vẫn đang diễn ra thường xuyên. Bên cạnh đó, các chế tài xử lý dành cho đối tượng vi phạm cũng ngày càng được chú trọng.