720 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, TPHCM
Thị trường mì dự kiến sẽ có giá trị không đổi và tốc độ tăng trưởng giá trị ước khoảng 6% và 5%, sẽ chậm hơn so với thời gian xem xét khối lượng tăng trưởng
Trên thị trường, ba đại gia mì ăn liền lớn nhất VN hiện nay là Vina Acecook, Asia Food và Masan với thị phần lần lượt là: 51,5%; 12,1%; 16,5%. 19,9% còn lại của các Cty khác (nguồn: Báo cáo thị trường mì VN của Euromonitor, phát hành tháng 3/2013 - Số liệu năm 2012).
Tương quan chân vạc
Cũng theo Euromonitor, tốc độ tăng trưởng năm 2012 của thị trường mì VN là 17%, với giá trị bán lẻ đạt 20,1 nghìn tỉ đồng. Trong đó, chỉ có Masan là DN vẫn đang tập trung vào sản phẩm thuộc nhóm mì gốc mì, gồm các dòng chủ lực cao cấp như Omachi hay dòng phân khúc bình dân Kokomi. Hai đại gia còn lại đều đã có thời gian và công sức đầu tư cho các sản phẩm thuộc nhóm mì gốc gạo.
Cụ thể, năm 2007, sau 14 năm có mặt tại thị trường VN với các sản phẩm chủ lực mì gốc mì như : mì Kim Chi hương vị Hàn Quốc, mì Hảo Hảo, Đệ nhất Mì Gia…, Vina Acecook đã xây dựng nhà máy Phở với dây chuyền hiện đại, cho ra đời các sản phẩm mì ăn liền gốc gạo dưới nhãn Phở Xưa và Nay. Hiện tại, VinaAcecook sở hữu 6 nhà máy sản xuất trải rộng khắp cả nước, với trên 15 dây chuyền sản xuất đa dạng chủng loại sản phẩm bao gồm mì ăn liền, miến ăn liền, bún ăn liền, phở ăn liền… Riêng sản phẩm mì, Vina Acecook đã phát triển được 15 nhãn hiệu khác nhau và đây vẫn là dòng sản phẩm chủ lực của Cty.
Ở miến - sản phẩm được làm từ 2 thành phần là bột củ dong và đậu xanh song, vẫn được xếp vào nhóm sản phẩm mì gốc gạo - Vina Acecook là Cty đã tiên phong xây dựng và biến thương hiệu Miến Phú Hương trở thành lựa chọn quen thuộc của người tiêu dùng. Nhờ đó, Vina Acecook cơ bản đã chiếm cứ thị phần lớn trên thị trường miến gói ăn liền, nếu không kể phân khúc ngách miến gói khô đang được khá nhiều DN nhỏ lẫn các cơ sở sản xuất tư nhân, làng nghề cung cấp. Về phở ăn liền, 2 nhãn hiệu Phở Xưa và nay, Phở Đệ Nhất của VinaAcecook cũng được người tiêu dùng phân khúc cao cấp lựa chọn, với mức giá không thấp so với các sản phẩm mì gói cao cấp như Omachi của Masan. Đây là những nhãn hiệu phở phổ biến và phủ sóng ở các kênh bán lẻ, bán buôn truyền thống lẫn hiện đại như cửa hàng, chợ, siêu thị, đại lý đầu mối… Ngoài ra, Vina Acecook cũng phát triển sản phẩm bún với nhãn hiệu Bún ăn liền, Bún Hằng Nga, Hủ tiếu Nhịp Sống 5 vị.
Tương tự Vina Acecook, Asia Food tập trung đầu tư vào các dòng sản phẩm đa dạng từ mì, phở đến hủ tiếu, song danh mục sản phẩm của Cty này còn phong phú với cháo – một dạng mì ăn liền gốc gạo có giá thành khá rẻ, được phát triển thành các nhãn cháo Hello, cháo Shang-ha, cháo Gấu đỏ. Tuy vậy, một đặc trưng dễ nhận thấy ở Asia Food: Sản phẩm chủ lực của Asia Food tựu trung vẫn là mì, với các nhãn đa dạng như : Mì Gấu Yêu, Mì Gấu Đỏ, Mì Hello, Mì Vifood. Theo đó, hầu hết các chương trình tiếp thị gây tiếng vang lẫn danh hiệu, giải thưởng mà Cty này đạt được đều tâp trung xoay quanh sản phẩm mì gốc mì, chưa có sự đột phá lớn về dòng cháo gói, cháo ly ăn liền.
Như vậy, mặc dù chưa có một thống kê đầy đủ về tỉ trọng doanh thu từ sản phẩm ăn liền gốc mì và sản phẩm ăn liền gốc gạo của từng đại gia, song với các chi tiết nêu trên, rõ ràng 3 DN mì gói lớn của VN hiện tại vẫn đang tăng trưởng với mũi nhọn mì gốc mì. Nói một cách khác, mì gốc mì đã tạo nên thế và lực của 3 đại gia mì Việt và bản thân các DN này dù có đầu tư, vẫn chưa “làm thị trường”, chưa tạo ra được sự sôi động về nhu cầu, nhãn hiệu cho các sản phẩm mì gốc gạo.
Điều kiện cần và đủ
Song chính nhờ sự thiếu phong phú, đa dạng lẫn sự thiếu tập trung tận lực vào sản phẩm mì gốc gạo, mà dòng sản phẩm này trong tương lai lại vẫn đang mở ngỏ nhiều cơ hội phát triển cho cả thị trường lẫn DN.
Theo Euromonitor, năm 2008, giá trị tăng trưởng bán lẻ của mì Việt khoảng 5.754 tỉ đồng. Euromonitor dự đoán từ đó đến nay thị trường mì Việt sẽ tăng trưởng bình quân mỗi năm 15-20%. Thực tế, với giá trị tăng trưởng năm 2012, thị trường mì Việt đã “bùng nổ” tới 4 lần, tương ứng 400% giai đoạn cách đây 5 năm. “Trong giai đoạn dự báo tới, thị trường mì dự kiến sẽ có giá trị không đổi và tốc độ tăng trưởng giá trị ước khoảng 6% và 5%, sẽ chậm hơn so với thời gian xem xét khối lượng tăng trưởng. Điều này là do sự gia tăng bão hòa thị trường và nhận thức về sức khỏe trong thói quen ăn uống của người tiêu dùng” - báo cáo Euromonitor cho biết.
Một báo cáo về thị trường đồ uống và thực phẩm VN được phát hành quý I/2013 của BMI cho biết, trên thị trường thực phẩm và đồ uống nói chung, sau một giai đoạn mà mức thu nhập và sức mua của người tiêu dùng chủ yếu tập trung vào mặt hàng chủ lực thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày, thì khi kinh tế tăng trưởng mạnh, thị hiếu tiêu dùng và sở thích sẽ là những yếu tố hiệu chỉnh đối với sản phẩm, hướng đến đảm bảo khả năng dễ tiêu thụ hàng hóa cũng như dễ phát triển đối với các sản phẩm có thương hiệu.
Bất kỳ một động thái chuyển hướng hay đẩy mạnh sản phẩm mì gạo nào từ các đại gia tới đây, cũng đều có thể châm ngòi cho cuộc chiến mới.
Trong trường hợp như vậy, nếu Vina Acecook, Masan, Asia Food và cả nhiều Cty khác vẫn chưa thay đổi được tương quan đang hiện có, khả năng 3 đại gia lớn tiếp tục chiếm giữ phần lớn thị trường là điều chắc chắn. Tất nhiên, đã là thị trường, sẽ không loại trừ những nhân tố mới và chuyển động mới không ngừng xuất hiện. Đặc biệt khi triển vọng của thị trường thì còn nguyên đó, nhu cầu cũng vẫn vậy mà khả năng cung ứng cho thị trường ngày càng tăng lên, sân chơi ngày càng trở nên chật chội hơn bởi các đại gia lớn nhỏ khác như Nissin, Unif, Kinh Đô… cũng đang vào cuộc. Khi đó, ai bứt phá và sáng tạo với những dòng sản phẩm mới, kể cả người đi sau, vẫn có thể trở thành người về đích làm chủ thị trường trước.
Không phải ngẫu nhiên Euromonitor lại đưa ra quan điểm trùng với BMI về xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm, theo đó sẽ có thể xuất hiện mì dinh dưỡng/ thực phẩm chức năng trong tương lai. Nhu cầu và xu hướng sẽ tiếp tục hoàn thiện các điều kiện cần và đủ, cho các DN xác định vị thế cũng như lựa chọn các dòng sản phẩm chính nhằm cạnh tranh cùng những người đi trước.
Dầu vậy, nói riêng về mì gạo và bức tranh thị trường tương lai, với cung cách và truyền thống sản xuất đã định hình, người tiêu dùng Việt sẽ khó trông chờ những thay đổi giữa về mì gạo từ đại gia mì mới nhảy vào thị trường VN như Nissin, bởi lợi thế của Nissin vẫn đang bị khuôn hẹp trong truyền thống mì là mì. Vina Acecook và Asia Food liệu có tiếp tục để tâm đến thị trường mì gạo hay không khi cả hai đang phải nỗ lực “đè bẹp” một Masan đang tiến rất nhanh và dám đánh trực diện, lấn chiếm thị trường chỉ trong thời gian ngắn ? Cùng với đó, cũng rất khó để hy vọng sức bật từ những DN nhỏ đã có truyền thống phát huy mì gạo khô, nhưng lại đang phải đi vòng trong nội địa ở khu vực nông thôn hay các thị trường xuất khẩu như Bích Chi, Bình Tây… trở thành những DN ăn to nói lớn.
Do đó, mọi con mắt vẫn đang đổ dồn về các đại gia đã lập thế chân vạc. Bất kỳ một động thái chuyển hướng hay đẩy mạnh sản phẩm mì gạo nào từ các đại gia tới đây, cũng đều có thể châm ngòi cho cuộc chiến mới.