Tiếp thị Sài Gòn
Nâng tầm thương hiệu
NEWS  |  TAGS

720 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, TPHCM

Hành trình của Pepsi Việt Nam

Sau khi hất cẳng vốn Việt để trở thành công ty 100% vốn nước ngoài, Pepsico Việt Nam đã bị người Nhật thâu tóm khi phải bán tới 51% cổ phần cho Suntory.

Hất cẳng vốn Việt

Pepsi Việt Nam là một trong các công ty giải khát có vốn nước ngoài đầu tiên đặt chân tới Việt Nam. Cũng như nhiều công ty khác, muốn hoạt động tại Việt Nam, Pepsi phải hoạt động dưới danh nghĩa liên doanh. Ngày 24/12/1991, Công ty Nước giải khát Quốc tế (IBC) được thành lập do liên doanh giữa SP.Co và Marcondray-Singapore với tỷ lệ vốn góp 50% - 50%.

Đến tháng 7/2003, Công ty Thương mại và Du lịch Sài Gòn (SpCo), đã quyết định bán toàn bộ cổ phần trong Liên doanh nước giải khát quốc tế (IBC) cho công ty Pepsi. Theo đó Pepsi IBC đã chuyển từ loại hình liên doanh sang doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Số cổ phần trên trị giá 2,4 triệu USD, chiếm 3,44% tổng vốn pháp định của liên doanh Pepsi - IBC (70 triệu USD), đã được Pepsi mua lại với giá 4,8 triệu USD.

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho biết khi vào Việt Nam, Pepsi phải tuân thủ Luật đầu tư. Luật đầu tư bắt buộc công ty nước ngoài phải liên kết với công ty Việt Nam. Và rất nhiều công ty “ngoại” biết chiêu trò, nhanh chóng vô hiệu hóa liên doanh. Thường chỉ sau vài năm, các liên doanh đều trở thành công ty nước ngoài 100%. Theo ông Quang, giai đoạn đó, có tới 2/3 liên doanh thua, còn lại 1/3 trụ được.

Tuy nhiên, IBC lại ở trong tình huống khác. Ông Quang cho biết, IBC thành lập dựa trên vận động công sức cá nhân, cổ đông cá nhân chứ không phải tài sản của Nhà nước. Sau một thời gian hợp tác, nhóm cổ đông bán lại cổ phần cho Pepsi để có lợi nhuận.

Nhóm cổ đông do ông Phạm Phú Ngọc Trai, tổng giám đốc IBC lãnh đạo đã hoạch định kế hoạch trước. Những người thiết lập đều biết đến lúc nào đó phải rút lui với giá cổ phiếu nâng cao để được lợi.

Ông Quang đánh giá đây là chiến lược đầu tư, chứ không phải bị thâu tóm. Đây là chiến lược có chủ động, không có gì mất mát như trường hợp Viso, P/S, bột giặt Phương Đông.

Chính vì có kế hoạch trước nên cuộc “ly hôn”, biến Pepsi trở thành công ty 100% vốn nước ngoài diễn ra êm thấm. Ông Trai trở thành Tổng Giám đốc Pepsi Việt Nam và có nhiều đóng góp lớn để thúc đẩy sự phát triển của công ty.

Bị công ty Nhật nuốt trôi

Là một ông lớn về nước giải khát tại Việt Nam nhưng con đường đi của Pepsi Việt Nam không hề dễ dàng vì công ty luôn phải đối mặt với “đối thủ truyền kiếp” là Coca Cola và đối thủ sinh sau đẻ muộn Tân Hiệp Phát.

Cuộc chiến khốc liệt này khiến các “ông lớn” ngành nước giải khát đều hao tiền, tốn của. Pepsi phải tham gia cuộc đua giảm giá, tăng chi phí cùng Coca Cola. Kết quả là cả hai cùng liên tục báo những khoản lỗ khủng trong thời gian dài.

Giống Coca Cola, kể từ khi thành lập cho tới năm 2007, Pepsi cũng liên tục báo lỗ. Tới năm 2006, công ty vẫn lỗ 122 tỷ đồng. Lỗ kéo dài từ năm 1991, nên trên bảng cân đối tài sản của Pepsi, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 là 1.206 tỷ đồng.

Năm 2007 là năm đầu tiên PepsiCo có lãi, với tổng thu nhập chịu thuế là 58 tỷ đồng. Nhưng vì vẫn được điều chỉnh chuyển lỗ, nên công ty chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Năm 2008, Pepsi lại lỗ 58 triệu đồng, sang năm 2009 lãi 141 tỷ đồng. Con số này của năm 2010 là 137 tỷ đồng, năm 2011 là 191 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vẫn được điều chuyển lỗ, nên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà công ty này đã nộp từ năm 2009 cho đến nay chỉ là 40,2 tỷ đồng.

Chính vì lỗ liên tục, cả Coca Cola và Pepsico đều phải đối mặt với nghi án chuyển giá. Tuy nhiên, cho tới nay, nghi án vẫn chỉ là nghi án.

Trong khi nghi án vẫn chưa có lời giải đáp, vào ngày 23/10/2012, Pepsi bất ngờ khi công bố sẽ bán cổ phần của công ty Pepsi Việt Nam cho công ty Suntory Holdings Ltd., một công ty đồ uống và thực phẩm dinh dưỡng tại Nhật Bản, để cả hai cùng hợp tác nguồn lực mở rộng thị trường đang tăng trưởng nhanh này.

Giá trị của bản hợp đồng không được tiết lộ nhưng có thể lên tới hàng trăm triệu USD vì đến nay, PepsiCo đã rót hơn 500 triệu USD vào Việt Nam với 5 nhà máy sản xuất đồ uống và thực phẩm.

Trong liên doanh này, Pepsi sẽ tiếp tục quản lý lĩnh vực tiếp thị và phát triển các sản phẩm chủ đạo, bao gồm những sản phẩm Pepsi-Cola, 7-UP, Sting, Mirinda, Tropicana Twister, Lipton và Aquafina. Trong khi đó, Suntory có kinh nghiệm phát triển các loại đồ uống phù hợp thị hiếu của người châu Á, cũng bổ sung thêm những đồ uống mang thương hiệu của mình.

Thương vụ hoàn tất trong năm 2012 nhưng phải tới ngày 4/4/2013, liên doanh mới giữa PepsiCo, Inc (PepsiCo) và Suntory Holdings Limited mới chính thức hoạt động. Khi đã nhận được phê duyệt từ các cơ quan thẩm quyền tại Việt Nam, liên doanh dự định có tên là Suntory PepsiCo Vietnam Beverage Company Ltd (SPVBC).

Tuy nhiên, Pepsi Vietnam bị đánh giá là đã rơi vào thế khó khi công ty này bước vào mảng thực phẩm với bánh snack Poca và sữa đậu nành Body Naturals. Năm 2008, công ty đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thực phẩm đóng gói tại Bình Dương có vốn đầu tư 30 triệu USD để sản xuất bánh Poca.

Thế nhưng lĩnh vực thực phẩm của PepsiCo Vietnam chỉ có 2 thương hiệu là Poca và Body Naturals còn khá mờ nhạt và chưa thể cạnh tranh với Vinamilk hay Kinh Đô.

Hiện tại, liên doanh này mới chính thức hoạt động được hơn 2 tháng nên khó có thể đánh giá được hiệu quả của sự hợp tác kể trên.