Nguồn gốc lễ hội Theo sách Ngọc phả Thần tích, do Hàm lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1572 niên hiệu Hồng Phúc nguyên đời Lê Anh Tông, thì trang Nam Trì (tên chữ là ao phía Nam, ao Vua, Lễ hội Nam Trì của triều Nguyễn...) có từ thời Hùng Vương, thuộc bộ Giao Chỉ. Đến thời thứ Hùng Vương 18, Triệu Đà đảo phá Loa Thành, chiếm vùng núi Ngũ Lĩnh, chiếm nước Âu Lạc, sát nhập với Bách Việt, lập ra nước Nam Việt thì trang Nam Trì thuộc huyện Thiên Thi lộ Khoái Châu xứ Sơn Nam quận Giao Chỉ. Sau là xã Nam Trì, tổng Thổ Hoàng phủ Khoái Châu... Nam Trì ở thế đất Phượng Hoàng Hàm thư (Chim Phượng Hoàng ngậm thư), nơi có tam giang giao hội (Kim Ngưu, Nguyệt Đức), thuỷ tụ khê lưu, chảy vòng chín khúc; trang Nam Trì có bốn khu, sau sát nhập lại thành hai khu là Bảo Tàng và Ngọc Khê. Thời nhà Triệu, Nam Trì có tướng Lang Công (tức Nguyễn Danh Lang hoặc Nguyễn Danh Lương) là tướng ba đời vua nhà Triệu (Văn Vương, Minh Vương, Ai Vương), kết nghĩa anh em với Bảo Công (tức Tể tướng Lữ Gia). Thời vua Triệu Văn Vương, Lang Công giữ chức Điển quân sau làm Đốc lĩnh châu Ái, châu Hoan. Đến đời Triệu Ai Vương, vua nghe gian thần tư thông nhà Tây Hán, Lang Công bị giáng chức làm Huyện lệnh Thiên Thi; Bảo Công bị giáng chức làm Huyện lệnh Phong Châu. Khi về Thiên Thi nhận chức thì Lang Công chết. Do có công và do Bảo Công trình nên Ai Vương vẫn phong cho Lang Công làm thần và cho dân Nam Trì lập đền thờ. Đến khi Bảo Công chết, dân đã thờ cùng với Lang Công tại đền.
Lễ hội Nam Trì gắn liền với huyện thoại về Cao Vương Thiên tử - Thánh địa lý Cao Biền - đánh thắng giặc Nam Chiếu, xây dựng hành cung, kết nghĩa anh em với hai vị thần trong đền, cưới hai cô con gái sinh đôi họ Phạm ở đây là Lữ Lương, và giúp dân Nam Trì sửa miếu, lập đền. Huyền thoại kể rằng: Thời Đường Hiến Tông Lý Thuần, niên hiệu Hàm Thông, có Cao Nguyên là con trai của tướng chỉ huy cấm quân (bảo vệ triều đình) Nam Bình Quận vương Cao Văn Sùng, người gốc Bột Hải (Mãn Châu) sau về U Châu kết hôn với con gái họ Thuý. Năm 41 tuổi, bà họ Thuý nằm chiêm bao thấy rồng vàng phủ bụng mà có mang nhằm ngày 4 tháng Giêng (4/1) năm Giáp Thìn (821) thì đẻ ra Biền. Lúc trở dạ đẻ Biền, buồng đẻ sáng rực hào quang, mùi hương ngào ngạt, thinh không có đám mây ngũ sắc trong ba hôm liền. Biền có tên tự là Thiên Lý, 15 tuổi được vào hầu nội điện. Năm 31 tuổi làm Tướng quốc nhà Đường. Biền là người độ lượng hơn người, thông minh, mưu lược, trí dũng hơn người, anh hùng cái thế lại rất giỏi địa lý, phong thuỷ, có tài hô thần tróc quỉ; địa thế hàng trăm nước đều thâu tóm trong bàn tay, long hổ thế đất đều phải phục tùng. Tương truyền do có công lớn nên được nhà vua trọng thưởng nhưng Biền không lấy gì chỉ xin kho bút lông. Trong kho có một cây bút thần, Biền tìm được mang ra vẽ chim diêm, chim hộc để bay lên không trung đi xem địa lý, phong thuỷ khắp nơi.
Trong thời gian làm Tiết độ sứ Đô hộ An Nam, Cao Biền thấy các nơi có thế đất quí đều cho dựng hành cung để làm nơi nghỉ ngơi và thưởng ngoạn. Khi Cao Vương được dẫn quân từ biển Đông Hải vào Giao Châu đánh giặc Nam Chiếu, đi qua Nam Trì và đóng quân ở miếu thờ hai vị Lang Công, Bảo Công. Thấy đền ở thế đất rất quí Phượng Hoàng Hàm thư tại địa phận khu Bảo Tàng (nay thuộc làng Nam Trì) cho là rất linh thiêng nên tế lễ, cầu rằng: "Nay ta cầm quân đi đánh giặc Nam Chiếu hai vị thần có anh linh thì âm phù thắng giặc. Sau khi thành công hẳn được bảo phong cúng tế, hương hoả muôn đời". Đêm ấy Cao Vương chiêm bao thấy hai vị tướng mặc long bào, giáp ngọc long lanh, đội mũ trăm sao. Một vị cưỡi ngưạ trắng, cao hơn bảy thước tay cầm siêu đao vàng, một vị cưỡi hổ vàng tay cầm búa việt. Cao Vương hỏi: "Danh tướng ở đâu đến đây?" Một vị xưng: "Ta vốn là Trung Thiên Bảo Quốc", vị kia xưng: "Ta vốn là Trung lang Tế thế, đều là đại thần của nhà Triệu hồi xưa, nay thấy Ngài đem quân đi đánh giặc, chúng ta xin tòng chinh, âm phù cho quân thắng giặc". Thần vừa dứt lời thì Cao Vương tỉnh dậy. Hôm sau bèn truyền cho dân làng, phụ lão Nam Trì: "Ta vâng lệnh Hoàng đế Đại Đường làm Tiết trấn An Nam, giặc Nam Chiếu dám dấy binh xâm phạm, vì thế ta tiến quân qua đây. Ngắm thấy địa thế nơi đây có thế đất rât quí. Miếu Thần làng này dựng trên thế đất Phượng hoàng Hàm thư. Nhân dân nhất định giàu có, phát công hầu khanh tướng". Đồng thời cho dựng hành cung ở khu Ngọc Khê.
Tại trang Nam Trì có người tên là Phạm Tố, vợ là Trần Thị Phương ở Ngọc Khê. Năm bà 21 tuổi nằm mộng vào chơi chùa Hương Tích gặp Phật Bà Quan Âm hiện lên cho hai cành thoa vàng, nhằm rằm tháng hai (15/2) năm Bính Thìn đẻ ra cái bọc có hai cô con gái như Hằng Nga giáng thế, miệng cười trăm hoa, mắt sáng long lanh tựa hai hạt ngọc. Khi đẻ hai nàng tố nữ, có con công ngũ sắc múa lượn trước sân nhà và có hương thơm toả ra thơm nức. Đến khi được hai tuổi đặt tên Lữ Lương và Lự Lương. Hai chị em họ Phạm lớn lên thì nữ công gia chánh, công dung ngôn hạnh hơn người. Năm hai nàng 21 tuổi thì Cao Vương cho dựng hành cung Ngọc Khê, hai chị em ra xem. Nhác trông thấy hai chị em có vẻ mặt yêu kiều lộng lẫy, không phải hạng tầm thường nên Cao Vương cho mang 100 nén vàng đến mời ông bà Phạm Tố đến xin kết duyên trăm năm với hai nàng và để hai nàng ngự ở hành cung Ngọc Khê. Sau đó Cao Vương mang đại binh đi giao chiến với giặc Nam Chiếu. Vào trận, trời đột nhiên tối sầm, sấm sét nổi lên dữ dội, hai vị thần Bảo, Lang hiện về, hộ vệ cho đại binh của Cao Vương đánh tan quân Nam Chiếu.
Dẹp yên được giặc, ngày 10/3 Cao Vương trở lại hành cung Ngọc Khê, miếu thờ hai vị thần. Dân làng cung kính chào mừng, Cao Vương lại truyền rằng: "Ta với hai vị Thượng đẳng Linh thần tại đây như có nhân duyên từ trước. Vừa qua giặc Nam Chiếu xâm phạm An Nam, làm cho nhân dân lầm than khổ cực, ta mang quân đi tiễu trừ giặc cướp. Qua nơi đây biết chắc là Thần linh rất thiêng. Quả nhiên đêm về, hai vị Thượng đẳng Linh thần hiện lên xin tòng chinh, âm phù cho quân ta thắng giặc. Ta với hai vị Thần tuy âm dương cách biệt nhưng chung một huyết khí bẩm sinh. Tuy rằng Nam Bắc hai phương nhưng đều chung một Trời một Đất nên từ nay trở đi ta cùng hai vị Thần kết nghĩa anh em và muốn hai vị Thần được hưởng cúng tế vạn năm, tiếng thơm lưu truyền bất hủ". Xong, ban cho dân làng vàng bạc để làm công quĩ và rước hai bà về Tĩnh Hải phủ vương.Cao Vương trở lại Bắc quốc và hoá ngày 10/8 năm Quý Tỵ. Dân Nam Trì đã thờ cùng hai vị Lang Công, Bảo Công. Còn hai vị phu nhân thì về quê dựng chùa xuất gia, đi tu và bỏ tiền ra mua ruộng đất làm tự điền (ruộng của chùa) để sống. Đến ngày 15/11 hai bà làm lễ Phật rồi hoá. Dân làng an táng hai phu nhân ở phía tây hành cung và lập miếu thờ tại khu Bảo Tàng (nay thuộc làng Nam Trì).
Có sách chép là một thời gian về Bắc quốc, Cao Vương lại quay về Nam Trì để hoá hai vị phu nhân. Theo Thần tích một ngôi đền ở làng Vạn Bảo (Vạn Phúc) thị xã Hà Đông thì bà Lã Thị Nga là phu nhân của Cao Vương từ đất lụa Hàng Châu (Trung Quốc) sang (có sách lại nói là quê ở đây) dạy dân nghề dệt lụa nên được tôn là "Tổ nghề dệt lụa Hà Đông". Khi Cao Vương hoá thì bà cũng nhảy xuống sông tự tử, dân làng lập đền thờ, sau tôn làm Thành Hoàng. Bên cạnh đền Bảo, Lang, Biền là miếu thờ Công chúa Hùng vương - Lâu Lương (phu nhân của tể tướng Lữ Gia) cùng hai vị phu nhân của Cao Biền. Ở làng Ngọc Khê (nay là Đới Khê) còn có phủ thờ cả ba phu nhân của Cao Biền. Thời Lê - Trịnh, Thánh địa lý Tả Ao - Vũ Đức Huyền về ở Nam Trì và huyện Thiên Thi một thời gian, giúp dân làng Nam Trì lập lại làng và cho chuyển chùa, đền thờ các vị Thần về phía Tây Nam làng, nhìn ra hồ lớn hướng Tây (nay gọi là ao đình). Khu vực Hưng Yên còn lưu truyền trong dân gian câu ngạn ngữ "nhất Thi nhì Hới" nói về việc Tả Ao đã cắm đất, chọn ngày xây đình chùa, đặt mồ mả để cho hai làng thuộc tỉnh Hưng Yên là Thổ Hoàng (nay thuộc thị trấn Ân Thi) và Hới (Hải Triều) huyện Tiên Lữ phát về đường khoa cử, giàu có.
Truyền thuyết về Tả Ao thành Phúc Thần như sau: Khi già yếu, Tả Ao bèn chọn cho mình chỗ an táng là nhất khuyển trục quần dương ở xứ Đồng Khoai. Nếu táng được ở đây thì chỉ ba ngày sau là thành Địa Tiên. Tả Ao có hai người con trai nhưng do chu du thiên hạ, không màng dang vọng, bổng lộc nên gia cảnh, con cái thì bần hàn. Lúc sáu lăm tuổi, biết mình sắp về chầu tiên tổ nên bảo hai con khiêng đến chỗ ấy, rồi nằm dưới mộ và tự phân kim lấy, dặn con cứ thế mà chôn. Mới được nửa đường, biết là sẽ chết trước khi đến nơi nên Tả Ao bèn chỉ một gò bên đường có thế "huyết thực" mà dặn con rằng: "Chỗ kia là ngôi huyết thực, bất đắc dĩ thì cứ táng ở đó, sẽ được người ta cúng tế". Hai con bèn táng luôn ở đó, sau Ngài thành Phúc Thần một làng (Nam Trì). Trong đình Nam Trì có câu đối của Tả Ao nói về địa lý, phong thuỷ Nam Trì: "Tây lộ khê lưu kim tại hậu - Đông giang thuỷ tụ mộc cư tiền" nghĩa là phía tây của đường làng có dòng nước chảy, phía sau của làng là hướng Tây Bắc (hướng tây bắc hành kim) – phía đông làng có sông nước tụ làng nhìn về hướng nam (hướng nam hành hoả). Sau này dân làng coi Tả Ao như Thành Hoàng làng và thờ cùng với ba vị trước.
Tổ chức lễ hội Theo Sử sách, Thần tích, Thần sắc thì các triều đại Trung Quốc: Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống đều phong Cao Biền là Quốc Vương Thiên tử Đại Vương, Bảo Công là Trung Thiên Bảo Quốc Đại Vương, Lang Công là Trung Lang Tế Thế Đại vương để dân các khu thuộc trang Nam Trì thờ phụng. Các triều đại Việt Nam: Đinh, Lê, Lý, Trần đều phong thần như cũ cho ba vị cùng Công chúa Lâu Lương và cho thờ phối hưởng cả hai vị phu nhân: Lữ Lương, Lự Lương. Triều đại hậu Lê thì sắc phong Cao Biền là Tá trị hựu Thánh, Bảo Công là Cương trực hiển Thánh, Lang Công là Dũng lược quả đoán; sau lại phong thêm ba vị là Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng phúc thần; Lâu lương Công chúa là Tôn Tinh uyển Dực bảo Trung hưng Trai tĩnh Trung đẳng Thần. Tiếp, triều Nguyễn đều phong thần cho các vị. Cho đến ngày 24/11/1880 niên hiệu Tự Đức thứ 33 sắc phong 3 vị Thần làm Bản cảnh Thành hoàng gọi là Bảo, Lang, Biền.
Lễ hội Nam Trì là lễ hội chung của ba làng: Nam Trì, Đới Khê và Bảo Tàng, được tổ chức vào các ngày sinh, ngày hoá của các vị Thần; ngày Khánh hạ (lễ mừng); ngày lễ Tam sinh và lễ hội chính là ngày đón Cao Vương (10/3). Lễ hội gồm 2 phần: Lễ là tế thần gồm: rước thần đến sở công đồng làm lễ yết cáo, sau rước ra nhà hội đồng và rước đi các nơi làm lễ tắm thánh. Hội là tổ chức các trò vui (đánh cờ, đấu vật...), ca hát trong mười ngày. Khi rã đám thì ba khu (ba làng) phải cùng dọn xứ mả Phát để rước thần về đó làm lễ và có các trò vui. Lễ vật ngày lễ gồm trâu bò, xôi rượu (trâu lợn đen tuyền mua của những gia đình vợ chồng song toàn). Ngày hoá của các vị công chúa, phu nhân thì lễ vật gồm gà, xôi, rượu hoặc trâu, bò, ca hát trong ba ngày. [sửa] Ý nghĩa tôn giáo Lễ hội Nam Trì là lễ nghi tôn giáo tế thần có từ thời thượng cổ. Lễ hội vừa là tín ngưỡng dân gian vừa là văn hóa cộng đồng làng xã. Thần là người có liên quan (sinh, sống, làm việc) hoặc có công với một khu vực dân cư, có công với nước (hộ quốc tý dân), khi chết được tôn và phong làm thần. Con người cho là thần luôn phù hộ và trừng phạt nên thường tổ chức lễ hội để ngợi ca, cầu thần để được phù hộ mà không bị trừng phạt. Thời thượng cổ việc tế thần phức tạp hơn như phải tế người sống, tế vật sống (tam sinh). Ngày nay thủ tục này không còn phù hợp nên đã bỏ. Sau các thần ở đây được tôn làm Thành Hoàng nên lễ được tổ chức theo nghi thức tế Thành Hoàng.