• Du lịch
  • Di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột ở Đắk Lắk

Di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột ở Đắk Lắk

Di tích lịch sử quốc gia Nhà đày Buôn Ma Thuột ngày nay đã được nhiều người biết đến. Lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột giai đoạn 1930 - 1945 là bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác của bè lũ thực dân phong kiến với tù nhân tại đây nói riêng và với toàn dân tộc ta nói chung.

Nhưng vượt lên trên hết, chính những năm tháng khốc liệt đó đã viết lên một bản anh hùng ca cách mạng về phẩm chất kiên chung, ý chí sắt đá, làm rạng thêm trang sử vẻ vang của truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, chưa có tài liệu nào đề cập tới giai đoạn Nhà đày dưới thời đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975). Trên cơ sở tổng hợp những thông tin được cung cấp bởi một số cựu tù chính trị đã bị Mỹ bắt giam tại Nhà đày, bài viết này xin cung cấp một số chi tiết liên quan tới tình hình, chính sách giam cầm của đế quốc Mỹ tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Hiệp định Giơnevơ được kí kết nhưng nước ta vẫn chưa sạch bóng quân thù. Miền Bắc bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước, xây dựng CNXH, làm hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Kẻ thù của nhân dân ta lúc này là bọn đế quốc Mỹ sừng sỏ âm mưu bành chướng thế giới. Chúng tiếp tục sử dụng lại Nhà đày Buôn Ma Thuột để phục vụ cho âm mưu xâm lược nước ta. Lúc này Nhà đày đổi tên thành Trung tâm cải huấn Buôn Ma Thuột. Theo lời kể của các nhân chứng thì những tù nhân sau khi bị địch bắt, chúng đưa tới những trung tâm tra tấn. Những trung tâm đó là: Trung tâm khai thác B52 (Trung tâm thẩm vấn ty đặc biệt - địa điểm tại trụ sở Công an tỉnh hiện nay), Khu An ninh quân đội Sư đoàn 23 (Doanh trại quân đội ở đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột), Phòng nhì tiểu khu… Tại những trung tâm này tù nhân bị tra tấn rất dã man: dù nam hay nữ đều bị chúng dùng điện dí vào bộ phận kín; dùng dây dù nhỏ cột vào các ngón tay cái, chân cái lại với nhau rồi treo ngược ra phía sau; trói tù nhân nằm ngửa lên ghế dài rồi dùng nước xà bông, nước mắm ớt đổ vào miệng làm cho tù nhân phải nôn ra cả máu và phân; bắt tù nhân đứng im cả ngày lẫn đêm có lính giám sát, hễ động đậy là bị đánh đập rất tàn bạo… Mục đích tra tấn là để khai thác thông tin về cơ sở và lực lượng cách mạng của ta. Trước sự tra tấn dã man của kẻ thù, cũng đã có một số người khai ra cơ sở hoạt động gây cho cách mạng nhiều tổn thất.

Tuy nhiên đó chỉ là số ít còn về cơ bản thì những tù chính trị khi bị bắt đều một lòng một dạ trung kiên với Đảng, với nhân dân. Trong thời gian tra tấn, chúng giam tù nhân ngay tại các trung tâm khai thác, không cho tù nhân mặc quần áo, không có nhà vệ sinh (theo lời kể của ông Nguyễn Kim Sơn). Khi nào chúng thấy không còn khai thác được nữa, mới bí mật đưa tù nhân về giam ở Trung tâm cải huấn Buôn Ma Thuột. Tại đây, tù nhân không còn bị tra tấn nữa, thỉnh thoảng có bị đánh đập để ổn định trật tự. Tuy nhiên, khi có người nào khai ra ai đó thì sẽ bị đưa lên lại các trung tâm khai thác trên. Từ những trường hợp như vậy anh em tù chính trị đã rút ra một nghệ thuật khi bị địch khai thác, tra tấn là: “trước sau như một”. Qua đó thể hiện sự sáng tạo, tỉnh táo và ý chí sắt đá của những chiến sỹ cách mạng, những người tự nguyện hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Tại Nhà đày (lúc này là Trung tâm Cải huấn Buôn Ma Thuột), hàng ngày các buồng giam có hai lần mở cửa vào khoảng 6h00 và 13h00. Thời gian mở cửa khoảng một tiếng đồng hồ. Đây là thời gian tù nhân vệ sinh cá nhân, vận động cơ thể. Tù nhân được đi lại trong phạm vi cho phép, có người làm trật tự theo dõi. Bộ phận quản lí, giám thị và lính canh đều là ngụy quân. Trong mỗi lao có một tổ trưởng, thường là những thường phạm, có nhiệm vụ đại diện cho những tù nhân trong lao mỗi khi ai đó có yêu cầu gì thì phải thông qua tổ trưởng, hoặc mỗi khi ai bị bệnh thì tổ trưởng sẽ báo cáo phòng y tế và dẫn người đó ra lấy thuốc, ngoài ra trong các lao còn có một số người đã bị địch chiêu hồi được chúng cài vào để làm tai mắt cho chúng. Để cho giống như cái tên của nó: “cải huấn”, thì chế độ trong Nhà đày cũng bớt phần khắc nghiệt. Tù nhân được ăn hai bữa một ngày. Tới giờ ăn, cơm và thức ăn (chủ yếu là rau, mắm, thỉnh thoảng có thêm một ít cá khô) được đưa ra trước sân, tù nhân được mở cửa ra ngoài ăn tập thể (trừ những người bị biệt giam thì ăn uống sinh hoạt ở trong phòng). Gia đình, người thân có thể tới thăm nom, tiếp tế. Khi tới thăm phải tới phòng giám thị trình diện (ngoài cổng Trung tâm), sau đó có người vào dẫn tù nhân ra để gặp mặt.

Khi bị bắt giam tại Nhà đày, những tù chính trị nào bị đế quốc Mỹ kết tội đặc biệt nguy hiểm sẽ bị chúng đưa tới giam cầm tại những nhà tù, nhà đày tàn khốc hơn như Khám Lớn (Sài Gòn), Côn Đảo… Do đó, Nhà đày giai đoạn này còn có tính chất như một trạm trung chuyển tù chính trị của đế quốc Mỹ.

Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, Nhà đày Buôn Ma Thuột được giao cho Sở Công an Đắk Lắk quản lý. Đến năm 1979, Nhà đày được giao lại cho Ty Văn hoá - Thông tin Đắk Lắk quản lý và đến ngày 10/7/ 1980, với tính chất lịch sử đặc biệt quan trong của mình, Nhà đày được Bộ Văn hoá Thông tin, nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Một số hình ảnh Nhà đày Buôn Ma Thuột ở Đắk Lắk