720 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, TPHCM
Tên chùa đặt theo tên một ngôi chùa cổ trong hang động núi Bái Đính, nơi không chỉ thờ Phật tổ và Chúa Thượng Ngàn mà còn gắn với lễ tế cờ khi vua Quang Trung ra Thăng Long đại phá quân nhà Thanh.
Chùa Bái Đính cổ (Bái Đính cổ tự) nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800 m về phía đông nam men theo sườn núi Đính. Khu chùa này nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến động tối thờ mẫu và tiên. Nơi đây nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần.Năm 1997 chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng cấp quốc gia. Mặc dù khu chùa có lịch sử hình thành từ thời Đinh với đền thờ Cao Sơn trấn tây Hoa Lư tứ trấn nhưng chùa Bái Đính cổ có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý.
Lên thăm hang động ở núi Bái Đính phải bước trên 300 bậc đá, qua cổng tam quan ở lưng chừng núi. Lên hết dốc là tới ngã ba: bên phải là hang sáng thờ Phật và Thần, bên trái là động tối thờ Mẫu và Tiên.
Động dài 25m, rộng 15m, cao trung bình là 2m, nền và trần của động bằng phẳng. Đi tiếp theo ngách đá bên trái cuối hang sẽ dẫn tới một cửa hang sáng và rộng, một thung lũng xanh hiện ra. Nếu đi tiếp xuống các bậc đá sẽ đến đền thờ thần Cao Sơn. Quay trở lại ngã ba đầu dốc, theo đường rẽ trái khoảng 50m là tới động Tối.
Động Tối lớn hơn hang Sáng, gồm 7 buồng, có hang trên cao, có hang ở dưới sâu, các hang đều thông nhau qua nhiều ngách đá, có hang nền bằng phẳng, có hang nền trũng xuống như lòng chảo, có hang trần bằng, có hang được tạo hóa ban tặng cho một trần nhũ đá rủ xuống muôn hình vạn trạng. Trong động tối có giếng ngọc tạo thành do nước lạnh từ trần động rơi xuống. Các vị Tiên được thờ ở nhiều ngách trong động.
Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không là người sáng lập chùa Bái Đính. Ông là một thiền sư, pháp sư tài danh được vua phong Quốc sư và nhân dân tôn sùng gọi là đức thánh Nguyễn. Khu vực núi Đính nằm cách quê hương đức thánh Nguyễn Minh Không 4 km. Tương truyền khi ông đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông đã phát hiện ra các hang động đẹp liền dựng chùa thờ Phật và tạo dựng một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân. Đền thánh Nguyễn nằm ngay tại ngã ba đầu dốc, xây theo kiểu tựa lưng vào núi, trong đền có tượng của ông được đúc bằng đồng.
Quốc sư Nguyễn Minh Không là con người mang ánh xạ của thời đại nhà Lý. Ông đã học hỏi, sưu tầm những kiến thức y học dân gian, hàng ngày tìm thuốc trong vườn Sinh Dược mà trở thành danh y, chữa bệnh lạ cho Vua, sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng – tinh hoa của văn minh Đông Sơn – văn minh Việt cổ mà trở thành tổ sư nghề đúc đồng. Ông khó công tầm sư học đạo, để từ một nhà sư ở từ phủ Tràng An ra kinh thành làm Quốc sư, đứng đầu hàng tăng ni trong nước, danh vọng và đạo pháp đạt đến đỉnh cao. Hành trạng của ông thể hiện nên cái không khí của Phật Giáo thời Lý thần bí, kỳ dị, đầy rẫy sự hoang đường nhưng đóng góp hết sức tích cực vào công cuộc phục hưng và phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam về nhiều mặt: triết lý, văn học, kiến trúc, mỹ thuật, kỹ nghệ… làm nền tảng cho sự phát triển của văn hoá Việt sau này.
Đi hết hang sáng có một lối dẫn xuống sườn thung lũng của rừng cây xưa là đền thờ thần Cao Sơn, vị thần cai quản vùng núi Vũ Lâm. Đinh Bộ Lĩnh từ thưở còn hàn vi đã được mẹ đưa vào sống cạnh đền sơn thần trong động. Khi Đinh Tiên Hoàng Đế dựng kinh đô Hoa Lư cũng cho xây dựng 3 ngôi đền để thờ các vị thần trấn giữ ở 3 vòng thành mà dân gian gọi là Hoa Lư tứ trấn.
Theo đó, thần Thiên Tôn trấn giữ cửa ngõ vào vòng thành phía Đông, thần Quý Minh trấn giữ cửa ngõ vào thành Nam và thần Cao Sơn trấn giữ cửa ngõ vào vòng thành phía Tây. Ngôi đền thần Cao Sơn hiện tại được tu tạo có kiến trúc gần giống với đền Thánh Nguyễn, cũng xây tựa lưng vào núi, có hành lang ngăn cách với thung lũng ở phía trước. Theo truyền thuyết, thần Cao Sơn là một trong 50 người con của Lạc Long Quân - Âu Cơ. Đền thờ chính của thần ở Phụng Hóa (Nho Quan, Ninh Bình). Vị thần này có công phù trợ quân Lê Tương Dực diệt được Uy Mục, sau cũng được dân làng Kim Liên rước về thờ và được phong là Cao Sơn đại vương trấn phía Nam kinh thành, một trong Thăng Long tứ trấn.
Giếng ngọc của chùa Bái Đính cổ nằm gần chân núi Bái Đính. Tương truyền đây là nơi thiền sư Nguyễn Minh Không đã lấy nước để sắc thuốc chữa bệnh cho dân và chữa bệnh cho Vua Lý Thần Tông. Giếng xây lại hình mặt nguyệt, rất rộng, có đường kính 30 m, độ sâu của nước là 6 m, không bao giờ cạn nước. Miệng giếng xây lan can đá. Khu đất xung quanh giếng hình vuông, có diện tích 6.000 m², 4 góc là 4 lầu bát giác. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng “Xác nhận kỷ lục”: “Ngôi chùa có giếng lớn nhất Việt Nam”, ngày 12 tháng 12 năm 2007.
Chủ trì thiết kế kiến trúc chùa Bái Đính là Giáo sư, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính - Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích Trung ương (Viện Bảo tồn di tích Việt Nam).
Chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) có diện tích rộng 80 ha, nằm phía bên kia núi so với chùa cổ và ở phía tây cố đô Hoa Lư. Đây là một công trình lớn gồm nhiều hạng mục, kiến trúc chính: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện Phật giáo, khu đón tiếp... được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau.
Tương lai, nó sẽ trở thành trung tâm của Phật giáo Việt Nam. Nơi đây có thể sẽ trở thành một khu văn hóa tâm linh với nhiều kỷ lục Việt Nam và khu vực. Người ta hy vọng đây sẽ là điểm đến rộng lớn hấp dẫn nhất của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Với ưu thế của một quần thể chùa lớn gồm cả quá khứ và hiện tại, lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội lớn ở miền Bắc và là một lễ hội truyền thống điển hình của người Việt Nam, diễn ra trong suốt mùa xuân. Trước ngày mở hội và ngay cả trong thời gian đón tết, tất cả các động, chùa trên núi Bái Đính đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm khắp vùng quê chiêm trũng.
Những kỷ lục:
1. Khu chùa có diện tích rộng nhất Việt Nam: 107ha. Điện thờ Tam Thế và Pháp Chủ có diện tích lên tới 1.000 m2.
2. Chuông đồng lớn nhất, 30 tấn
3. Pho tượng Phật Thích ca Mâu ni bằng đồng cao và nặng nhất, 150 tấn
4.Bộ tượng Tam thế bằng đồng lớn nhất, mỗi pho nặng 50 tấn
5.Chùa có Giếng Ngọc lớn nhất, đường kính 35m
6. Ngôi chùa trồng nhiều cây bồ đề nhất. Ngày Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc tại Việt Nam (17/5/2008) trồng 100 cây bồ đề, chiết từ gốc bồ đề Ấn Độ, hiện hàng ngàn cây bồ đề mọc xung quanh chùa
7. Ngôi chùa có hành lang La hán dài nhất. La hán đường với 500 vị La hán được tạc bằng đá xanh nguyên khối.
8.Tượng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng đồng dát vàng lớn nhất đặt ở điện thờ Quan Thế Âm Bồ tát. Tượng nặng 80 tấn, cao 9,57m (tính cả bệ), riêng tượng cao 5,4m.
9. Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất, nặng 80 tấn, cao 10m, an vị trên một ngọn đồi ở bên phải điện thờ Tam Thế Phật
10. Tượng ông Thiện và ông Ác bằng đồng cao và nặng nhất: đặt nơi cổng tam quan chùa. Mỗi pho nặng 20 tấn, cao 5,2m.
11. Bộ tượng A Nan - Ca Diếp bằng đồng lớn nhất. Mỗi tượng nặng 30 tấn, cao 9m, đặt tại điện thờ Giáo chủ Thích ca Mâu ni.
12. Bộ tượng Bát bộ Kim Cương bằng đồng nặng nhất, mỗi tượng nặng 4 tấn, cao 3,95m, đặt tại điện thờ Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa được biết đến với nhiều kỷ lục Việt Nam được xác lập như chùa có diện tích lớn nhất và hàng năm vẫn thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, bái lễ.
Vào đầu năm 2011 sẽ diễn ra Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật lớn nhất do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức: cung nghinh 10 viên xá lợi Phật từ chùa Giác Quang (TP.HCM) đến chùa Quán Sứ (Hà Nội) và chùa Bái Đính và công bố thêm kỷ lục của chùa.