720 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, TPHCM
Hàng năm vào thượng tuần tháng 3 âm lịch, chính hội là 3/3, du khách thập phương nô nức hành hương về với Hội Phủ Dày, nơi thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh, người Mẹ linh thiêng của dân tộc Việt Nam. Tục thờ Đức Thánh mẫu có ở khá nhiều nơi như Phố Cát (Thanh Hóa), Đền Sòng (Nghệ An)... Nhưng có lẽ tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (nơi Mẫu sinh) là thu hút khách thập phương hơn cả.
Du khách trảy hội Phủ Dày vừa để dự ngày giỗ Mẹ, vừa để thỏa nguyện tâm linh và được ngắm nhìn một quần thể kiến trúc lăng chùa truyền thống vô cùng độc đáo. Hội Phủ Dày thực sự hấp dẫn khách bởi sự đan xen, hòa quyện giữa những nghi thức trang trọng cùng những hoạt động văn hóa dân gian sôi nổi, đặc sắc. Tiêu biểu nhất trong hội Phủ Dày là nghi lễ rước Thánh Mẫu từ phủ chính (Tiên Hương) lên chùa Gôi vào ngày 6/3. Ðám rước Thánh Mẫu dài gần 1 km, rất trang trọng có đội ngũ nhạc, có phường bát âm. Ðến ngày 7/3 sinh hoạt văn hóa "Hoa trượng hội". Ðây là nét độc đáo nhất của lễ hội. Mỗi lần xếp chữ cần khoảng 100 phu cờ, mặc đồng phục, chít khăn đỏ, áo vàng, thắt lưng xanh, quần trắng, xà cạp đỏ. Mỗi người cầm cây gậy dài khoảng 2 mét. Người điều khiển gọi là tổng cờ. Vào cuộc chủ lễ xin Mẫu "ra chữ" sau đó theo nhịp trống chiêng rộn rã xếp thành những dòng chữ nho đầy ý nghĩa.
Hoà trong không khí sinh hoạt văn hóa dân gian, du khách còn được xem rước thỉnh kinh, rước kiệu bát cống long đình, xem múa rồng hội trên núi Tiên Hương.... Và khi màn đêm buông xuống, du khách sẽ được đắm mình trong những điệu Chầu văn tha thiết cùng những đèn trời được thả lung linh sắc mầu huyền ảo. Về với Hội Phủ Dày, du khách như được trở về với cội nguồn dân tộc, bởi nơi đây quy tụ rất nhiều những tinh hpoa văn hóa ngàn đời của dân tộc ta. Và đó còn là một nhu cầu của vẻ đẹp tâm linh trong những ngày đầu năm mới.