Lễ hội làm chay ở Long An

Tiếp Thị Sài Gòn - Quê hương Long An tôi vào những ngày vào những ngày nhung nhớ ấy có câu hát: Dù ai buôn bán bộn bề Làm chay mười sáu nhớ về Tầm Vu Đó là lễ hội Làm Chay ở đình Dương Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành.

Tầm Vu là một vùng đất địa linh nhân kiệt ở quê tôi. Là quê hương của Giáo sư Trần Văn Giàu. Là địa bàn của nhiều cuộc khởi nghĩa từ Trương Định, Thủ Khoa Huân đến Phan Văn Đạt... Trong đó, hai anh em ông nội vợ Giáo sư Trần Văn Giàu là Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự từng cầm đầu cuộc khởi nghĩa ở đây. Bởi thế, tuy có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của lễ hội, nhưng hiện nay đa số nghiêng về việc nhân dân mượn cớ cúng tế cô hồn để tỏ lòng thương tiếc và kính trọng đối với những bậc nghĩa khí trung kiên ở đây đã hy sinh trong phong trào võ trang kháng Pháp nửa đầu thế kỷ 19. Vào ngày đó, nhân dân đã phao tin “Loạn cô hồn dậy dẹp chợ” để bày duyên cớ làm “lễ trai đàn” (hay chay đàn) cúng tế cô hồn nhằm tránh sự đàn áp của giặc, theo thời gian, trở thành lệ Làm Chay và ngày nay là Lễ hội Làm Chay. Điểm đặc biệt của Lễ hội Làm Chay là không gian lễ hội không chỉ ở đình Dương Xuân Hội mà còn liên quan rộng khắp Tầm Vu và ngay cả các tín ngưỡng khác ở đây.

Hình ông Tiêu trong lễ hội Làm Chay

Nhân vật chính trong lễ hội làm chay là ông Tiêu - Tiêu diện Đại sĩ. Theo truyền thuyết Phật giáo thì Tiêu diện có nghĩa là mặt xám, đây là vị Bồ Tát chuyên hàng yêu phục quỷ. Hình tượng ông Tiêu ở Tầm Vu cao khoảng 2 mét, mặc giáp trụ, đầu có sừng và có cả trăm gương mặt trên khắp thân người. Đặc biệt, ông Tiêu có lưỡi bằng giấy hồng đơn dài gần nửa mét. Theo truyền thuyết địa phương, cái lưỡi này tập trung mọi quyền lực, phép thuật của ông Tiêu nên đến lúc xả giàn - nghi thức cuối cùng kết thúc lễ hội, tượng ông Tiêu và các giàn cúng được tung ra bố thí thì thanh niên xúm lại giành nhau đoạt lấy lưỡi ông Tiêu. Nhưng hàng trăm năm nay, ít ai lấy được lưỡi ông Tiêu vì trước khi xô giàn, ông chủ lễ đã đốt cái lưỡi này.

Giàn hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lễ hội làm chay ở Long An

Các giàn sẽ được bố thí vào lúc 24 giờ

Trò chơi dân gian bịt mắt đập nồi trong lễ hội

Phần vui nhất trong lễ hội là lúc 16/1 (âm lịch). Cùng với phần hội bắt đầu từ lúc 8 giờ với các trò chơi dân gian như bịt mắt đập nồi, nhảy bao bố, kéo co, leo cột mỡ, thả-bắt vịt, thi chạy bộ, đua xe đạp chậm, đá banh; là nghi thức Cúng cô hồn ở miếu Âm Nhơn vào lúc 8 giờ 10 phút. Từ 9 giờ đến 12 giờ là nghi thức Thỉnh Tiêu Diện đại sĩ từ chùa Ông về đưa lên giàn tại đình Dương Xuân Hội, đồng thời cũng là lúc Thỉnh lư hương cô hồn ở miếu Âm Nhơn về đặt tại giàn ông Tiêu. Từ 11 giờ đến 13 giờ Lễ chiêu u được tiến hành nhằm thỉnh vong linh, cô hồn các nơi về giàn ông Tiêu.

Hoạt cảnh Tây Du Ký

Nhưng có lẽ điều tác giả thích nhất và đi vào tiềm thức của tuổi thơ là màn Đánh động, thỉnh thầy, thỉnh kinh theo nội dung diệt yêu quái của thầy trò Đường Tăng trong tiểu thuyết Tây Du Ký từ 12 giờ đến 18 giờ. Đoàn thỉnh kinh sẽ đi khắp các trục đường của thị trấn Tầm Vu để diệt trừ yêu ma.

Ghe đăng được trang trí rực rỡ

Lễ phóng đăng với ghe đăng trang trí rực rỡ được tiến hành từ 13 giờ đến 19 giờ 30 phút tại sông Tầm Vu với các nghi thức phóng sinh, thả bèo, tụng kinh. Sau nghi thức Chạy kim đàn lúc 24 giờ đêm 16/1 là xô giàn Ông Tiêu. Người đi lễ tranh nhau giành đồ cúng mong tìm được chút lộc đầu năm. Ai tranh được cái lưỡi của Ông Tiêu là năm đó làm ăn phát tài nên mọi người chen nhau tìm. Sau 24 giờ, mọi nghi lễ đã xong xem như bá tánh đã chứng cho tấm lòng của người dân thị trấn Tầm Vu, một tàu tống gió sẽ đưa ra sông cho mọi thứ trở về chốn cũ.