720 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, TPHCM
Ngày xuân, tháng Giêng về, cũng là mùa lễ hội, cư dân xung quanh hồ Tây lại náo nức đi hội chùa, đình. Trong các lễ hội tháng Giêng, người dân nơi đây cảm nhận lễ hội đình Yên Phụ mang nét đẹp văn hiến của người Thăng Long- Hà Nội.
Cứ đến 10-2 âm lịch hàng năm, làng Yên Phụ lại tổ chức Hội đình. Hội đình Yên Phụ đến nay vẫn được đánh giá là giữ được nề nếp Hội đình của Hà Nội. Chỉ có điều thay đổi không rước qua đường cũ (từ Đình đi sang chùa Trấn Quốc ngày xưa có một con đường mòn) có bài văn bia miêu tả khi rước kiệu như“chìm trong sóng nước”, mà vượt dốc phố Yên Phụ qua đường Thanh Niên tới chùa Trấn Quốc. Còn toàn bộ phần rước kịêu và lấy nước y hệt như ngày xưa.Kiệu rước do 4 thanh niên khoẻ mạnh, mặc áo dài, dải có tua mạng. Hai kiệu đại do 16 thanh niên cường tráng, khoẻ mạnh mặc áo trắng, quần trắng, đai đỏ, đai xanh khênh, đi theo là đoàn múa sinh tiền, các vị chức sắc bô lão...
Đình Yên Phụ (Tây Hồ) nằm trong làng Yên Phụ, là một làng cổ ở trên bán đảo nhô ra Hồ Tây. Trước đây đình ở 66 Phó Đức Chính, gọi là An Trì, thờ Uy Linh Lang Đại vương. Khi thực dân Pháp sang xâm lược, đình bị biến thành trường tiểu học Yên Phụ. Theo sử sách, ở các vùng lân cận Hà Nội có tới 72 nơi thờ Uy Linh Lang. Theo truyền thuyết, Uy Linh Lang là con vua Trần Thánh Tông( trị vìtừ 1258 – 1278). Ngài là một anh hùng chống quân Nguyên, có ngày Ngài đánh giặc tới 8 trận ở chiến trường khác nhau. Bởi vậy, những nơi ngài đi qua nhân dân còn nhớ và lập đình thờ phong Thành Hoàng làng. Cũng bởi vậy, không chỉ riêng đình Yên Phụ mà ở các nơi thờ Uy Linh Lang đều tổ chức Hội vào 10-2 âm lịch hàng năm. Riêng đình Yên Phụ còn là nơi Uy Linh Lang từng ngồi làm việc nước. Dân làng Yên Phụ luôn tin vào sự phù trợ của Uy Linh Lang trong việc phát triển kinh tế. Hàng năm, dân cầu xin ngài đắp phù trợ để đắp đê được thuận lợi. Để tỏ lòng biết ơn, dân vùng này kiêng nói chữ “Lang” (khoai lang gọi là khoai dây).
Nhà nước đã công nhận đình Yên Phụ là di tích lịch sử, được xếp hạng từ ngày 27-2-1986. Đình xây theo kiểu chữ Đinh với đại bái dọc, không theo kiểu chuôi vồ (ngang) như các đình khác. Một bên đình xưa có nền và bệ của Văn chỉ thờ thánh hiền(Phan Kế Bính đã nhắc đến Văn chỉ này trong bài viết có tên “đêm trăng chơi Hồ Tây” đầu thế kỷ 20). Một bên có nhà cũ của nhà văn Thạch Lam. Trong đình còn giữ được chiếc kiệu sơn son thiếp vàng lộng lẫy, cổ kính, đặc biệt tấm bia khắc thời Lê Gia Tông (1672-1675) ghi rõ đình thờ Thành hoàng là Uy Linh Lang và hai em gọi là Vương Đôi, Vương Ba. Ba vị đều là con của Hoàng hậu Minh Đức đời Trần. Bia còn ghi lại sự kiện: Hồ Ao Vả xưa có đảo nhỏ ở giữa xum xuê các cây vả.
Năm nào hội đình mở cũng có sự tham gia của nhân dân các địa phương xung quanh hồ Tây như Nghi Tàm, Tứ Liên, Nhật Tân...đặc biệt có đoàn kết chạ từ làng Thanh Cù, huyện Kim Thi (Hưng Yên)nơi có Gò Đống Mối tương truyền là mộ Uy Linh Lang về dự. Sau khi lấy nước thanh tịnh từ chùa Trấn Quốc rước về, Hội tổ chức lễ bái ban mộc dục. Ngoài sân đình tưng bừng nhịp trống Hội với cảnh hát chèo, đánh cờ người, chọi gà, chọi chim...Hội đình Yên Phụ trang nghiêm và là một nét đẹp văn hoá truyền thống của Hà Nội cần được duy trì giữ gìn. Năm 2006, từ tiền công đức và đóng góp của nhân dân phường Yên Phụ và khách thập phương, đình Yên Phụ đã được trùng tu rất tỉ mỉ, nhưng vẫn giữ được toàn vẹn cấu trúc cổ xưa. Đình Yên Phụ thâm u, bền vững, nằm bên Hồ Tây, chắc chắn sẽ là nơi linh thiêng, gìn giữ nét văn hoá nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.