• Du lịch
  • Di tích Phủ Thượng Đoạn ở Hải Phòng

Di tích Phủ Thượng Đoạn ở Hải Phòng

Tiếp Thị Sài Gòn - Phủ Thượng Đoạn là nơi thờ Mẫu, một trong “ Tứ linh từ”, theo tín ngưỡng của người Việt. Phủ Thượng Đoạn nằm trên đất của Phường Đông Hải 1, Quận Hải An.

Phủ Thượng Đoạn là một di tích kiến trúc nghệ thuật tương đối quy mô, mặt quay hướng Tây.Mở đầu cho Phủ là một giếng nước. Điện thờ chính có cấu trúc ba lớp kiểu “Tiền nhất hậu đinh”, tòa ngoài năm gian là nơi tập trung nghệ thuật chạm khắc, trang trí kiến trúc. Các bộ vì gỗ lim là nơi thể hiện các đề tài hổ phù, hàm phượng, hàm đào, lưỡng long, cỏ cây hoa lá, chim thú, vật linh, cá cua sóng nước,...Nhờ có sự phối hợp giữa các mảng to nhỏ, giũa chạm nông sâu, thủng rộng khác nhau đã tạo nên nét hoành tráng cho công trình kiến trúc.

Mẫu được thờ ở tòa Hậu cung được gọi là “Tam tòa Thánh Mẫu” gồm Mẫu Thượng thiên hóa thân thành Chúa Liễu Hạnh ngồi ở giữa, bên trái là Mẫu Đệ nhị, tức Mẫu Thượng ngàn; bên phải là Mẫu Đệ tam, tức Mẫu Thoái phủ. Ở Phủ Thượng Đoạn, Mẫu bao gồm cả một hệ thống thờ đầy đủ:

- Hệ thống sáng tạo là tam tòa Đức Mẹ.

- Ngũ vị Tôn Ông là năm quan lớn thực hiện ý của Mẫu.

- Tứ Phủ Quan Hoàng: thứ bậc dưới Ngũ vị Tôn Ông.

- Tứ Phủ Thánh Cô, Tứ Phủ Thánh Cậu, gồm 11 cô, 11 cậu, là những phụ tá của Mẫu.

Phủ Thượng Đoạn là một trong những nơi thờ Chúa Liễu Hạnh ở nước ta, được sách “Đại Nam nhất thống chí” xếp vào hàng cổ tích của xứ Đông. Trong cảm quan huyền thoại dân gian tin rằng: Chúa Liễu Hạnh chính là “Đệ nhị Tiên Chủ Quỳnh Nương” ở chốn thiên cung vì vô ý vỡ chén ngọc bị đầy xuống trần gian, từ đời Thiên Hựu ( năm 1557) thụ sinh vào nhà họ Lê ở làng Vân Cát, Vụ Bản, Nam Hà. Bố mẹ đặt tên là Lê Thị Thắng tức Giáng Tiên: Năm 18 tuổi lấy chồng là Trần Đào Lang ở làng Tiên Hưng cùng xã. 3 năm sau hết hạn đầy mặc dù không muốn Chúa Liễu vẫn phải về trời. rồi vì nhớ chồng, thương con công chúa thường trầu mày, nhỏ lệ, Ngọc Hoàng thấy thế xót thương, phong làm Liễu Hạnh công Chúa và cho xuống trần gian lần thứ hai. Lúc này, chồng con đã qua đời: Nàng xếp đặt cửa nhà, rồi sẵn phép lạ đi vân du khắp nơi. Đời truyền rằng: một lần đi thuyền thăm xứ biển Đông đến vùng Hải Phòng, người cùng 2 thị nữ: Quế Nương và Thị Nương, thấy 1 cồn cát nơi đây, cảnh đẹp giữa trốn mây trời bao la, bèn dừng chân, lên thưởng ngoạn. Lúc ấy ở đây dân làng được phúc, kẻ ác bị tai họa. Thấy người quá đỗi linh thiêng, dân lành cùng nhau lập ngôi đền nhỏ để sốm tối phụ thờ và địa danh ngôi đền ấy chính là Phủ Thượng Đoạn phường Đông Hải 1 ngày nay. Đời con truyền rằng: Trong lần hạ giới thứ ba Thánh Mẫu đã quy u Phật Pháp, tu nhân tích đức, giúp Vua trừ họa, ban phát ân huệ cho dân lành, nên được các triều Vua Lê phong là: “ Mã Hoàng Công Chúa”, gia tặng là “ Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương” và người đã trở thành Phật. Nên Phủ Thượng Đoạn có tục lệ từ xưa “ cứ ngày 11 tháng 3 âm lịch, dân làng tổ chức rước kinh của Mẫu từ chùa Tân để nay được chuyển sang Chùa Vẽ rước về Phủ Thượng Đoạn, phối thờ và tụng kinh ba tối ( 11,12,13 tháng 3 âm lịch). Tâm thức dân gian: Tôn vinh Mẫu Liễu Hạnh vào hàng “ Tứ Bất tử” Việt Nam, công đức của người lớn lao như: Phù Đổng Thiên Vương, Tản Viên Sơn Thần và Chử Đồng Tử là những bậc thánh thần đạo cao, đức trọng, công lớn với nhiệm vụ, với hậu thế, mãi mãi trường tồn trong đời sống tinh thần dân tộc. Có thể nói, trong tâm linh người Việt Nam chúng ta Mẫu là vị thần bất tử! hiện thân cho quyền sống, quyền bình Đẳng và quyền mưu cầu hạnh phúc! Đức hạnh của Người là Đức Hạnh người mẹ Việt Nam. Vừa quả cảm, thủy chung, vừa từ bi nhân hậu. Cho nên tâm thức của mỗi chung ta, đều thấy được ở Mẫu Liễu Hạnh là Nhân là Thần là Phật.

Lễ hội truyền thống Phủ Thượng Đoạn, hàng năm mở vào tháng 3 âm lịch, Phủ Thượng Đoạn mở hội tưng bừng, tổ chức theo lối cách nhật. Ngày mùng 1 bắt đầu vào hội với tế lễ nhập tích do dân làng Thượng Đoạn thực hiện. Trước 1 ngày nhập tịch, dùng lễ trầu, rượu, gà, xôi cáo yết rồi dùng nước thơm tắm thượng vị, tắm xong lại lau Phủ một lượt nước trầm hương gọi là lễ mục dục. Tắm rửa xong thì phong áo mũ đại trào, có thể bằng vải, có thể băng giấy, xong tế một tuần, gọi là tế gia quan. Ngày mùng 2 hợp tế 3 khu là Đoạn xá, Vạn Mỹ và Thượng Đoạn. Tối mùng 2 tổng Hạ Đoạn cử một đoàn chức sắc, chức dịch, lão hạng đến làm lễ yết. Ngày mùng 3 tế hàng huyện, vì đây là một trong ngũ linh từ của huyện. Sau đó, đóng cửa Phủ từ ngày mùng 4 đến hết ngày mùng 7. Ngày mùng 8 mở cửa Phủ từ sáng sớm, hội lại tiếp diễn. Nghi thức tế lễ giống như lần trước. Đặc biệt sáng ngày 11 tổ chức đám rước thần tượng Chúa Liễu từ Phủ Thượng Đoạn ra Chùa Tân (sau này là Chùa Vẽ) để làm lễ chư Phật, xin nghiêng rước kinh sách về Phủ để phối thờ hưởng hội lễ. Đến ngày 14 tháng 3 thì tổ chức rước trả lại Chùa. Tương truyền trong một kiếp hóa thân, Chúa Liễu đã quy Tam Bảo nên lễ hội của Phủ có việc rước Kinh Phật này nhằm nhắc lại sự tích của Thánh Mẫu. Ngoài hoạt động tế lễ trang nghiêm, rước sách kính cẩn và vui nhộn, ngày hội Phủ Thượng Đoạn có tổ chức một số trò chơi dân gian như tôm điếm, đánh cờ, hát ca trù, hát trèo, múa rối nước... để du khách cùng tham dự. Đông nhất vẫn là đám hát trầu thánh Mẫu. Ngày 15/3 tổ chức tế tạ, cuốn cờ kết thúc hội.

Phủ Thượng Đoạn là một trong 6 đền, phủ chính của cả nước thờ Mẫu! Phủ Thượng Đoạn phường Đông Hải 1 đã xây dựng cách đây hơn 400 năm qua nhiều lần trùng tu tôn tạo của địa phương, cho đến năm Tân Tý ( tức năm 1941) Phủ Thượng Đoạn được xây dựng nơi thờ Mẫu uy nghi, hệ thống chạm khắc hoa văn lộng lẫy, với nghệ thuật điêu khắc cao. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi thờ Mẫu ở đây đã che chở cho 1 số cán bộ Việt Minh về vùng này hoạt động, chặn bão lụt năm 1955 làm vỡ đê, nước lũ tràn về, ruộng đồng, nhà cửa ngập trôi, dân làng Thượng Đoạn ra nương nhờ cửa Mẫu lánh nạn an toàn. Những năm giặc Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc, nơi đây cùng là nơi cất giữ hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược cho bộ đội phòng không của ta, góp phần đánh bại chiến tranh dùng không quân của giặc Mỹ leo thang vào miền Bắc nước ta.

Ngày 21/1/1992, Phủ Thượng Đoạn phường Đông Hải đã được nhà nước xếp hạng là: di tích lịch sử văn hóa! Một trong 6 di tích cấp quốc gia và cấp thành phố nằm trong quần thể di tích phường Đông Hải 1.