Ban đầu khi mới lập làng xã năm 1854, vùng đất Nghĩa Thành (lúc đó mới có một làng đầu tiên là Thư Điền) thuộc tổng Sĩ Lâm huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định nhà Nguyễn. Tổng Sĩ Lâm lúc đó cũng mới được thành lập từ trại Sĩ Lâm, vùng đất hoang của Phạm Văn Nghị. Ngày nay, đất Tổng Sĩ Lâm thuộc phần đất của xã Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm (trung tâm trại Sĩ Lâm), Nghĩa Hùng, Nghĩa Hải của huyện Nghĩa Hưng.
Người có công đầu tiên cùng với các sĩ phu yêu nước khởi xướng mộ dân, khai hoang, lập ấp là cụ Đệ Tam Giáp Đồng tiến sỹ xuất thân Doãn Khuê. Doãn Khuê tự là Bảo Quang sinh năm Quý Dậu (1813) tại làng Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Vốn là người có tư chất thông minh từ nhỏ, được sự giúp đỡ của thầy dạy, khoa thi Đinh Dậu (1837) khi mới 24 tuổi Doãn Khuê đã đỗ cử nhân. Ngay năm sau khoa Mậu Tuất (1838) ông vào Huế dự kỳ thi hội. Kết quả kỳ thi không phụ tấm lòng của thầy, Doãn Khuê đỗ đệ tam giáp tiến sỹ xuất thân (đứng thứ tám). Cuộc đời, sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho đời sau về tinh thần yêu nước, thương dân, chăm lo cho tiền đồ dân tộc. Cả cuộc đời ông chuyên lo hành xử với việc đánh Pháp, đào tạo nhân tài, thau chua rửa mặn, cải tạo đồng đất ven biển khi làm Doanh điền xứ.
Sáu mươi lăm tuổi đời, bốn chục năm làm quan, ông đã trải qua gần trọn bốn đời vua đầu triều nhà Nguyễn. Tiến sĩ Doãn Khuê đã dồn hết tâm nguyện cho việc canh tân đất nước. Nhưng hoạn lộ của ông cũng lắm chông gai, với một lòng yêu nước, thương dân, tính tình ngay thẳng, ông đã mấy lần bị cách lưu, giáng chức, cao hơn nữa là miễn chức, có lúc phải từ quan, trước thực tế quan trường ức hiếp dân chúng, còn Triều đình thì làm ngơ, tự mình thấy có trách nhiệm nhưng bất lực. Nhưng cuối cùng dưới thời Tự Đức cũng đã ban phong thẻ bài Quý tự Hiếu Nghĩa.
Sự nghiệp giáo dục của Tiến sỹ Doãn Khuê luôn được tôn vinh, đề cao. Ông là một thầy giáo đầy tâm huyết và trách nhiệm. Qua gia phả mới biết Doãn Khuê xuất thân từ một dòng họ có truyền thống dạy học. Trước ông đã có 8 đời làm nghề thầy giáo. Những năm cuối đời, Doãn Khuê dồn hết tâm lực vào công việc dạy học. Trong thời gian dài hơn 10 năm (1847 - 1857) Doãn Khuê đã trực tiếp đào tạo nhiều môn sinh có tài năng và nhân cách ra giúp dân, giúp nước. Đồng thời ông cùng con, cháu, các cố lão địa phương từng bước xây dựng quê hương ta trở thành một địa bàn nông nghiệp trù phú, giàu văn hiến.
Sau một thời gian lâm bệnh, ông mất vào ngày 15 tháng 10 năm Mậu Dần (1878) ở quê hương, ông hưởng thọ 65 tuổi.
Tôn vinh bậc sĩ phu chân chính của thời đại là việc làm hợp với truyền thống, với đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, chính vì vậy năm 1880, nhân dân xã Nghĩa Thành lập Đền thờ để tỏ lòng ngưỡng mộ và đời đời ghi nhớ, biết ơn công lao đức độ của ông với đất nước, với địa phương. Đền thờ Tiến sỹ Doãn Khuê là một di tích lịch sử văn hóa quý giá mà ông cha ta để lại như một sự tri ân, trả nghĩa với người mở đất năm nào. Tại đây ông được nhân dân tôn thờ với tư cách là Thần Hoàng Làng. Ngày 20 tháng 7 năm 1994 ngôi đền được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.