• Du lịch
  • Di tích lịch sử Phòng tuyến Tam Điệp ở Ninh Bình

Di tích lịch sử Phòng tuyến Tam Điệp ở Ninh Bình

Tiếp Thị Sài Gòn - Phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn là phòng tuyến phòng thủ của nghĩa quân Tây Sơn, dựa vào dãy núi Tam Điệp và đảo Biện Sơn (Thanh Hóa), ở phía Nam thị xã Tam Điệp cách thị xã Ninh Bình khoảng 20km.

Đèo Tam Điệp còn gọi là đèo Ba Dội, vì có ba quả núi nối tiếp nhau, trên đỉnh đèo cao nhất giữa với độ cao 110m, còn có một tấm bia khắc bài thơ "Quá Tam Điệp sơn" (Qua đèo Tam Điệp) của Triệu Trị, khi Triệu Trị tuần du qua đây năm 1842 cho biết đây là địa giới của hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa.

Đất đỏ của đèo Tam Điệp giúp ta nhận ra từng đoạn của con đường thiên lý xưa mà liên tưởng tới bài thơ vịnh của nữ sỹ Hồ Xuân Hương:

Một đèo, một đèo lại một đèo

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo

Cửa son đỏ loét tùm hum nóc

Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

Thời bình, đèo Tam Điệp là đề tài của các thi nhân xưa, thời chiến đèo Tam Điệp lại có vị trí chiến lược quan trọng.

Vào năm Mậu Thân (1788) Lê Chiêu Thống rước 29 vạn quân Thanh vào xâm lược nước ta. Trước sức mạnh ban đầu của quân địch, để bảo toàn lực lượng Ngô Thời Nhậm đã bàn với các tướng lĩnh Bắc Hà cho "thủy quân chở đầy thuyền lương thuận gió giương buồm ra thẳng cửa biển đến vùng Biện Sơn và quân bộ thì sửa soạn khí giới, gióng trống lên đường lui về giữ núi Tam Điệp". Hai mặt thủy bộ của quân đội Tây Sơn liên hệ với nhau, giữ lấy nơi hiểm yếu.

Theo kế hoạch ấy, đêm 20 tháng 1 năm Mậu Thân (1788), Ngô Văn Sở đưa quân về núi Tam Điệp và ngay ngày hôm ấy cử đô đốc Nguyễn Văn Tuyết phi ngựa vào Phú Xuyên cấp báo Nguyễn Huệ, đồng thời phối hợp với cánh quân thủy ở đảo Biện Sơn (Thanh Hóa) hợp thành một phòng tuyến thủy bộ vững chắc. Xây dựng phòng tuyến Tam Điệp, nghĩa quân Tây Sơn đã dựa vào dãy núi đá vôi bắt nguồn từ Hòa Bình đổ về, chạy dài ra gần biển theo đường ranh giới giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, tự nó đã có giá trị như bức tường thành thiên nhiên lợi hại, án ngữ con đường thiên lý ra Bắc vào Nam.

Từ Tam Điệp nghĩa quân Tây Sơn còn kiểm soát được đường sông Đáy vào sông Vân Sàng, qua sông Trinh Nữ đến cửa bể Thần Phù để vào Thanh Hóa và đường "lai kinh" hay đường "thượng đạo" là con đường từ kinh đô vào Thanh Hóa bằng đường núi.

Địa hình ở đây rất hiểm trở, phía Bắc đèo Tam Điệp có một cửa ải hiểm yếu án ngữ mà một số tài liệu địa lý học lịch sử gọi là ải "Cửu Chân" hay "cửa họng của bắc - nam". Nhân dân địa phương thường gọi là "Kẽm đó" hay "Lỗ Đó". Ở đây mạch núi đã vôi khép kín, đúng sừng sững như bức tường thành, con đường thiên lý len qua giữa, trông xa như hình một cái đó khổng lồ.

Vì có vị trí quan trọng như vậy, nên các triều đại trước Tây Sơn và cả sau này nữa đã từng dựng đồn lũy ở đây.

Khi đóng quân ở Tam Điệp, nghĩa quân Tây Sơn đã sử dụng những đồn lũy cũ của nhà Lê trước kia và sửa chữa lại làm những đồn lũy phòng ngự phía ngoài cửa ải Tam Điệp. Đó là "lũy Tam Điệp" đối diện với Kẽm đó qua một quả núi, nhân dân địa phương gọi là "Lũy ông Ninh". Có thể lũy này do Lê Duy Ninh tức ông Lê Trang Tông 91533 -1548), ông vua bù nhìn đầu tiên của thời Lê Trung Hưng lập nên, mà nghĩa quân Tây Sơn sử dụng lại. Lũy nối liền giữa hai mạch núi dài tới 135m chỗ cao nhất 1,08m chân rộng 15m, phía ngoài có hào rộng 3m. Bên kia đường thiên lý cách lũy Tam Điệp 200m là đồn Tam Điệp mà nhân dân địa phương gọi là Âm hồn, vì ở đây có miếu thờ âm hồn những người chết trận. Đồn là một thành đất hình vuông, chỉ có dấu vết,một cạnh dài 52m, cạnh kia 60m, chân thành rộng 7m, chỗ cao nhất 2m, phía ngoài cả 4 mặt thành đều có hào rộng khoảng 4m. Đồn lũy Tam Điệp đều có nhiệm vụ phòng vệ phía ngoài cửa ải Tam Điệp.

Nhưng đồn lũy ở Tam Điệp kết hợp với những đồn lũy ở đảo Biện Sơn (Thanh Hóa), tạo thành phòng tuyến thủy bộ vững chắc, bảo toàn được lực lượng, tạo cơ sở cho Nguyễn Huệ mở chiến dịch đại phá quân Thanh ngay sau đó

Ngày 20 tháng chạp năm Mậu Thân (1788), khi ra tới Tam Điệp, Nguyễn Huệ đã đánh giá cao kế hoạch rút lui chiến lược của các tướng lĩnh Bắc Hà. Ông nói: "Chịu nhịn để tránh sức mạnh ban đầu của chúng, đành hãi chỉnh đốn đội ngũ, rút về giữ chỗ hiểm yếu, trong thì khiến cho lòng quân kích thích, ngoài thì khiến cho lòng giặc kiêu căng, đó là một kế rất hay". Vững tin ở thắng lợi, Nguyễn Huệ tuyên bố: "Lần này ta ra thân hành cầm quân phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mười ngày có thể đuổi được giặc Thanh". Có được niềm tin ấy, một phần rất quan trọng là do sự chuẩn bị rất chi đáo của các tướng lĩnh Bắc Hà ở Tam Điệp.

Sau đó Nguyễn Huệ đã hạ lệnh đóng quân ở Tam Điệp để tìm hiểu tình hình cụt hể của địch ở Bắc Hà, đồng thời truyền hịch để tộ quân Thanh xâm lược, động viên nhân dân Bắc Hà đoàn kết, quyết tâm tiêu diệt địch. Tai Tam Điệp, Nguyễn Huệ đã hoàn thành những khâu chuẩn bị cuối cùng cho chiến dịch đại phá quân Thanh. Mười ngày sau ngày 30 tháng chạp năm Mậu Thân (1788), trong bữa tiệc khao quân trước giờ xuất trận Nguyễn Huệ đã khẳng định lại một lần nữa quyết tâm đánh tan quân giặc, giải phóng thành Thăng Long để ngày mồng bảy sẽ mở tiệc mừng chiến thắng giữa kinh thành.

Trong thời gian 140 ngày (Từ 20/1 đến 30 tháng chạp năm Mậu Thân (1788) nghĩa quân Tây Sơn đóng ở Tam Điệp đã được nhân dân phủ Trường Yên ủng hộ. Nhân Dân làng Khánh và làng Ghềnh đã ra đắp đường ở "chỗ lội cầu Do" để nghĩa quân Tây Sơn hành quân thần tốc tiêu diệt kẻ thù.

Gia phả họ Đinh ở thôn Ngọc Động (Gia Phong, Gia Viễn) cho biết ông Đinh Huy Đạo là quan huấn đạo phủ Hà Trung thấy biến loạn đã bỏ về quê, Ngô Thời Nhậm đã về tận thôn Ngọc Động, phân tích lẽ phải trái, khuyên ông bỏ nhà Lê mục nát theo Tây Sơn và mời ông ra xây dựng phòng tuyến Tam Điệp. Sau đó Đinh Huy Đạo được Nguyễn Huệ bổ sung vào Bộ tham mưu của nghĩa quân.

Nhân dân Mai Thin (xã Yên Bình, thị xã Tam Điệp) còn lưu truyền ông tổ họ Nguyễn đã đến Tam Điệp theo Quang Trung vận tải thuyền lương, họ Trịnh có ông Trịnh Phúc Dư đưa lương thực đến ủng hộ nghĩa quân được Quang Trung tặng thưởng.

Có sự chuẩn bị chu đáo, lại được nhân dân ủng hộ, giữa đêm trừ tịch buốt lạnh, năm đạo quân của Nguyễn Huệ đã xuất kích tiêu diệt đồn tiền tiêu Gián Khẩu, mở đầu cho chiến dịch đại phá quân Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789).

Tương truyền khi hành quân tới đây, trong cuộc họp bàn chiến lược, ông Bùi Đắc Tuyên vừa mới nói lên cái tên Tam Điệp thì Hoàng đế Quang Trung liền nhắc nhở rằng "dân mình nên dùng tiếng mình, cứ gọi là núi Ba Đội".