• Du lịch
  • Di tích lịch sử Núi Cánh Diều ở Ninh Bình

Di tích lịch sử Núi Cánh Diều ở Ninh Bình

Tiếp Thị Sài Gòn - Núi Cánh Diều hay Núi Ngọc Mỹ Nhân nằm ở giữa Thành phố Ninh Bình - Tỉnh Ninh Bình. Đó là một trái núi lớn chu vi khoảng 400 trượng. Từ chân núi đến đỉnh núi cao 16 trượng 6 thước, tên là Cánh Diều.

Tên gọi đó gắn liền với truyền thuyết về sự hoá thân của Cao Biền - một tướng giỏi, đồng thời là một pháp sư đời Đường (Trung Quốc) sang cai trị nước ta. Ông thường cưỡi diều giấy đi dò phá long mạch nước Nam. Khi bay đến đất Hoa Lư đã bị một đạo sĩ cao tay cùng nhân dân ở đây dùng tên bắn. Cao Biền bị trọng thương, diều gãy cánh rơi xuống một hòn núi, từ đó mang tên là Núi Cánh Diều.

Núi Cánh Diều có ba ngọn, ngọn giữa cao, hai ngọn tả hữu chĩa ra như hai cánh chim, vì vậy còn có tên gọi là Diên Xỉ Sơn ( “Diên” là Diều hâu, “Xỉ” là cánh chim) - Con chim diều hâu liệng. Vào thời Triều Lê đã cho đào ngòi và đắp đường cả bốn bên núi để chuẩn bị cho vua đi tuần du. Vách đá phía Tây núi khắc ba chữ Hán to: “Tạo Thiết Kỳ” (Dựng tạo kỳ lạ). Mé Tây Bắc khắc bốn chữ Hán lớn của Chúa Trịnh Sâm: “Thiên Nhiên Xảo Diệu” (Sự khéo léo của thiên nhiên). Mé Đông Bắc khắc chữ: “Diệu Cảnh” (Cảnh diệu kỳ), lại còn khắc chữ to: “Thắng Khái” ( Cảnh tượng tuyệt đẹp). Sườn Đông Nam của núi trước đây có chùa cổ. Chân núi phía Đông có miếu thờ thần Quang Tế (tức là Thần Trấn Vũ có tượng đồng lớn ở Hà Nội). Chân núi phía Tây đất nông và phẳng rộng đến bốn năm sào. Còn chân núi phía Bắc là chùa Thuỷ Sơn được dời từ trên đỉnh núi Dục Thuý đến (khoảng niên hiệu Gia long). Bia ở chùa vẫn khắc ba chữ : “Sơn Thuỷ Tự” (Chùa Non Nước). Phía trước chùa có hồ hình bán nguyệt, gần đấy có đình vuông, bên cạnh có giếng đá nước trong và ngon. Năm Minh Mạng thứ hai, nhà vua tuần du ra Bắc Hà, có sắc chỉ lấy nước giếng dâng, vì vậy gọi là Giếng ngự. Trên đỉnh núi có xây một cái đài, tên là đài Vân Tiêu.

Tương truyền, Nguyễn Công Trứ đã đi qua thị xã Ninh Bình, phát hiện thấy núi Cánh Diều giống một cô gái mình trần nằm ngửa nhìn lên trời mây bao la trông rất đẹp, liền đặt tên cho núi là Ngọc Mỹ Nhân (người con gái đẹp như ngọc). Đầu mỹ nhân lại quay ra biển Đông thuộc đất huyện Kim Sơn - Nơi có nhà thờ đá nổi tiếng. Núi Cánh Diều - Ngọc Mỹ Nhân - Mỗi tên gọi đều có một huyền thoại riêng độc đáo. Nói đến những trái núi có dáng hình phụ nữ đứng bế con trông ngóng chồng thì ở nhiều nước đều có. Nhưng một trái núi có dáng hình phụ nữ nằm ngửa, khoả thân thì chỉ Việt Nam mới có. Rất nhiều du khách đến đây, đều dừng chân ngắm nhìn “người đẹp” khoả thân kỳ thú một thoáng trong mây gió. Có lẽ không một trái núi nào trên đất nước ta lại có một dáng hình đẹp và cái tên mỹ miều đến như thế, chỉ có nguyễn Công Trứ có con mắt tinh đời mới nhận ra và gọi được tên:

“ Ngọc mỹ nhân! ơi Ngọc Mỹ Nhân!

Tạo hoá tạc em tóc xoã ngực trần.

Nghìn thế kỷ hoá thân thành đá,

Vẫn trinh nguyên vẻ đẹp thiên thần”.