Tiếp thị Sài Gòn
Nâng tầm thương hiệu
NEWS  |  TAGS

720 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, TPHCM

  • Du lịch
  • Di tích lịch sử Ngục Kon Tum ở Kon Tum

Di tích lịch sử Ngục Kon Tum ở Kon Tum

Nằm ở bờ Bắc về phía hạ lưu sông Đăk Bla đoạn vắt ngang thành phố Kon Tum xinh đẹp, êm đềm, di tích lịch sử Ngục Kon Tum cùng với bảo tàng tổng hợp tỉnh như một điểm nhấn vào mắt du khách khi ngược xuôi trên con đường thiên lý Hồ Chí Minh chạy suốt từ Bắc vào Nam, đoạn qua miền Trung uốn lượn theo dãy.

Trong chặng đường lịch sử 80 năm của Đảng bộ tỉnh Kon Tum, sự kiện “Cuộc đấu tranh lưu huyết” ngày 12/12/1931 và “Cuộc đấu tranh tuyêt thực” từ ngày 12 đến ngày 16/12/1931 của những người tù chính trị tại nhà Ngục Kon Tum mãi mãi là khúc tráng ca bất diệt về lòng yêu nước, tinh thần quả cảm của các chiến sỹ cộng sản đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, mãi mãi là tấm gương oanh liệt cho các thế hệ mai sau.

Ngược dòng lịch sử, ta biết Ngục Kon Tum được thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1915-1917 của Thế kỷ trước, ban đầu chỉ để giam giữ tù thường phạm. Sau năm 1930, nhà Ngục mới được sử dụng để giam giữ tù chính trị bị bắt trong phong trào Xô - Viết Nghệ - Tĩnh 1930-1931 và những người yêu nước chống Pháp quê ở các tỉnh Miền Trung: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… nhằm lưu đày, phát vãng, hãm hại dần những chiến sỹ cộng sản và những người yêu nước.Những người cộng sản nổi tiếng đã từng bị giam giữ ở nhà Ngục Kon Tum có Hồ Tùng Mậu, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Trịnh Quang Xuân, Võ Trọng Bành, Ngô Đức Đệ, Trương Quang Trọng, Lê Văn Hiến,Nguyễn Hoàn, Trần Hữu Dương, Lê Trọng Kha, Võ Am…

Trên 500 lượt tù chính trị đã bị giam cầm nơi đây và hơn một nửa trong số đó đã bỏ mạng trong lao tù hoặc vùi thây dọc đường 14 khi bọn địch cưỡng bức đi làm đường. Đưa người tù chính trị lên chốn rừng thiêng nước độc, cưỡng bức tù nhân đi lao động khổ sai làm đường 14, âm mưu thâm độc của bọn giặc là vừa cách ly được tù chính trị với phong trào cách mạng ở miền xuôi, đồng thời lợi dụng lam sơn chướng khí, lao động khổ sai, ăn uống kham khổ để giết dần giết mòn người tù.Đúng như toan tính của bọn thực dân,chỉ trong 6 tháng tính từ tháng 12/1930 đến tháng 6/1931 đã có 170 người tù bỏ mạng chốn rừng xanh.Nhà lao Kon Tum có 2 khu, gọi là Lao Trong và Lao Ngoài. Lao Trong ở khu Giọt Nước, giáp ngay sau khu Nhà bia tưởng niệm 81 liệt sỹ hiện nay (góc đường Phan Đình Phùng-Trương Quang Trọng thuộc Phường Quyết Thắng, TP Kon Tum). Lao Ngoài là khu vực xây dựng Nhà trưng bày Di tịch lịch sử Ngục Kon Tum hiện tại. Sau 6 tháng khổ sai làm đường 14, vừa trở lại Nhà Ngục Kon Tum, bọn địch lại âm mưu tiếp tục bức tù nhân đi làm đường mãi trên Đăk Sút, Đăk Pao (huyện Đăk Glei hiện nay).

Chấp nhận đi làm đường là chấp nhận con đường chết nên phải lựa chọn con đường sống, cho dù biết rằng con đường sống ấy rất có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của mình, nhưng “sau khi ta chết đi, họa may anh em khác mới có con đường sống”. Tù nhân ở Lao Ngoài kiên quyết phản đối, thà chết tại chỗ không đi làm đường nữa và đã bị bọn cai ngục khủng bố dã man. Bọn lính thực dân đã xả súng vào nhà ngục, chỉ trong vài phút đã bắn chết 8 người, bắn bị thương 8 người trong số 40 người tham gia cuộc đấu tranh.Người tù Trương Quang Trọng đã dũng cảm phanh ngực áo trước mũi súng kẻ thù, nhận viên đạn giặc hy sinh trước thay cho bạn tù Nguyễn Huy Lung. Khi nghe tin bọn giặc dã man nổ súng tàn sát anh em Lao Ngoài, để ủng hộ bạn tù Lao Ngoài, 200 tù nhân Lao Trong tổ chức tuyệt thực bắt đầu từ ngày 12 đến 16/12/1931 để đấu tranh, phản đối đi làm đường ở Đăk Pét, Đăk Pao. Một lần nữa, trưa ngày 16/12/1931, bọn lính coi ngục khát máu lại hùng hổ kéo vào Lao Trong, thấy ai còn lên tiếng được là xả súng bắn giết làm 7 người chết, 7 người bị thương.Tù nhân Đặng Thái Thuyến bị bắn hai lần, trước khi chết đã ráng sức vung ống bô vệ sinh đập vào đầu giặc. Máu những người yêu nước loang đỏ trời Cao Nguyên và dòng Đăk Bla cuồn cuộn, sôi sục căm thù. Những người bị tàn sát trong hai cuộc đấu tranh đều bị bọn giặc kéo ra bên ngoài nhà Lao, đào hố rồi hất xác xuống vùi lấp sơ sài.

Tuy đều bị đàn áp đẫm máu, song “ Cuộc đấu tranh lưu huyết ”và “ Cuộc đấu tranh tuyệt thực ” của những người tù chính trị ở Nhà Ngục Kon Tum đã thể hiện sức phản kháng mãnh liệt của những người con trung hiếu dám xả thân vì nước, “ Lấy máu tỏ can trường ” chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân, thể hiện lòng yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất trước hòn tên mũi súng, đã làm quân thù khiếp sợ.

Nói đến Nhà Ngục Kon Tum, không thể không nói về điều đặc biệt riêng có trong lịch sử Đảng bộ một tỉnh ở mảnh đất cực Bắc Tây Nguyên này, đó là tổ chức Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum đã ra đời ngay trong lao tù của thực dân, đế quốc. Tháng 6/1930, trong nhà ngục Kon Tum, từ một ngọn lửa le lói là Ngô Đức Đệ, người Can Lộc, Hà Tĩnh, Đảng viên Đông Dương cộng sản liên đoàn đã giác ngộ, cảm hóa, thổi bùng lên tinh thần yêu nước của những người đứng trong hàng ngũ địch như Đội Thơ (Huỳnh Đăng Thơ), Cai Liễu (Huỳnh Liễu), Cai Cừ (Nguyễn Cừ) tự giác tham gia Đảng cộng sản. Đến ngày 25/9/1930, khi điều kiện đã chín muồi, một cuộc họp bí mật ngay trong nhà ngục Kon Tum đã được tổ chức để tuyên bố thành lập Chi bộ cộng sản. Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kon Tum thường gọi là chi bộ Binh. Sau khi Chi bộ Binh được thành lập, phong trào yêu nước được các đảng viên vận động và phát triển mạnh cơ sở cách mạng ra bên ngoài để đến năm 1931, một Chi bộ cộng sản nữa ở ngoài nhà Ngục được thành lập, gọi là Chi bộ đường phố, từ đây mở ra một giai đoạn mới phát triển mạnh mẽ của phong trào yêu nước ở Kon Tum, có Đảng cộng sản lãnh đạo. Ngục Kon Tum - nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Kon Tum.

Ngục Kon Tum - nơi ghi dấu tội ác dã man của kẻ thù, nơi hiển hiện khí phách hiên ngang của những người cộng sản.Sau ngày tái lập tỉnh Kon Tum (12/8/1991), Đảng bộ và nhân dân Kon Tum đã quyết định lấy ngày 25/9/1930 - Ngày ra đời Chi bộ Binh trong nhà Ngục Kon Tum làm ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh và ngày 12/12 hàng năm, đông đảo cán bộ và nhân dân vẫn đến Di tích lịch sử Ngục Kon Tum để thắp nén hương thơm, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các Anh linh tiên liệt. Năm 2011, để bày tỏ sự trân trọng lịch sử và ý nghĩa cuộc đấu tranh lưu huyết của những người tù chính trị tại nhà Ngục Kon Tum, nhằm tri ân và tôn vinh những tấm gương oanh liệt đã bỏ mình vì nước, Ban chỉ đạo kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh Kon Tum đã quyết định tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 80 năm “Cuộc đấu tranh lưu huyết” Ngục Kon Tum (12/12/1931 - 12/12/2011).

Hơn 80 năm đã trôi qua,cho dù có nhiều biến thiên của thời cuộc, hai nấm mộ chung của những người tù cộng sản và những người yêu nước hy sinh trong “Cuộc đấu tranh lưu huyết” ngày 12/12 và “Cuộc đấu tranh tuyệt thực” ngày 16/12/1931 vẫn còn đó như minh chứng cho tội ác man rợ của đế quốc thực dân, đồng thời cũng là bài ca bi tráng về những mất mát đau thương của thời kỳ đất nước còn đắm chìm trong nô lệ, tủi hờn.Cuộc đấu tranh đẫm máu ấy về sau được Lê Văn Hiến, một người tù trong cuộc, viết lại trong phóng sự “ Ngục Kon Tum ”, thường được gọi là “Cuộc đấu tranh lưu huyết ”diễn ra ngày 12/12/1931. Phóng sự “ Ngục Kon Tum” của Lê Văn Hiến được xuất bản lần đầu vào năm 1938 trong không khí của phong trào Mặt trận Bình dân, được Hội Nhà văn Việt Nam tái bản năm 1958. Năm 1986, UBND thị xã Kon Tum ( khi đó thuộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum) đã tái bản lần thứ 3 và năm 2001, nhân kỷ niệm 70 năm “Cuộc đấu tranh lưu huyết”, Bảo tàng tổng hợp thuộc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Kon Tum lại tái bản lần thứ 4 với số lượng in 1.500 cuốn.Với ý nghĩa lích sử to lớn đối với vùng đất Bắc Tây Nguyên, di tích Ngục Kon Tum đã được Bộ Văn hóa công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia ngày 16/11/1988 (Quyết định số 1288/VH-QĐ), Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia quốc gia đầu tiên của tỉnh Kon Tum.

Gần trọn một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày các bậc anh hùng tiên liệt ngã xuống trước mũi súng quân thù, lịch sử đã sang trang, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất, độc lập, tự do từ Mùa Xuân 1975 lịch sử. Ngục Kon Tum năm xưa đã trở thành Di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh Kon Tum, một địa chỉ đỏ, nơi giáo dục và hun đúc cho các thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, không khuất phục trước sức mạnh bạo tàn của bất cứ kẻ thù nào.Từ nơi đây, lớp lớp thế hệ tương lai con Hồng cháu Lạc của Kon Tum, của nước Việt sẽ viết tiếp truyền thống cha ông, ngày càng làm rạng danh non sông đất nước. Mãi ngàn đời, tấm gương trung liệt của các bậc tiền bối ngã xuống trong cuộc đấu tranh lưu huyết ngày 12/12/1931 tại Ngục Kon Tum còn sáng mãi!