• Du lịch
  • Di tích lịch sử Ngục Đắk Mil ở Đắk Nông

Di tích lịch sử Ngục Đắk Mil ở Đắk Nông

Tiếp Thị Sài Gòn - Nằm dọc theo quốc lộ 14, cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa khoảng 60km, ngục Đắk Mil nằm trong địa phận thôn 9A, xã Đăk Lao, huyện Đắk Mil, là di tích lịch sử ghi lại dấu tích tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam.

Khi thực dân Pháp rời tỉnh lỵ Đắk Lắk từ Buôn Đôn về Buôn Ma Thuột năm 1904, chúng đã cho xây ngay một trại giam ở Buôn Ma Thuột. Ban đầu nhà tù này dùng để giam những người dân địa phương chống lại sự bắt xâu nộp thuế cho chúng, dần dần, chúng mở rộng nơi này thành Nhà đày Buôn Ma Thuột để giam giữ và đày ải các chiến sỹ cách mạng bị bắt trong các phong trào cách mạng từ các nơi đến, nhất là sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931).

Năm 1940, do số lượng tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột ngày càng đông và để phục vụ thi công tuyến đường xuyên qua cao nguyên M’Nông, thực dân Pháp lập thêm một nhà ngục ở Đắk Mil. Thêm một địa ngục trần gian nữa được dựng lên trên vùng đất Tây Nguyên đối với những chủ nhân kiên cường mà chúng đã và đang ra sức đàn áp, mua chuộc, dụ dỗ… hòng chiếm quyền sở hữu vùng đất quan trọng, trù phú này.

Ngục Đắk Mil được xây dựng trên một khoảnh đất nhỏ trong khu rừng già gần trung tâm Đại lý Đắk Mil (tên huyện Đăk Mil lúc bấy giờ), gồm có 9 gian, bao quanh bằng một hàng rào gỗ chồng khít nhau và dây thép gai bên ngoài. Bên trong có 2 dãy sàn gỗ làm chỗ ngủ cho tù nhân, một lối đi ở giữa, có đủ cùm chân, xiềng tay. Trong điều kiện sinh hoạt hết sức khắc nghiệt, hàng ngày lại phải đối mặt với xiềng xích, gông cùm, chế độ lao dịch nặng nề … nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên định lý tưởng đấu tranh. Ngục đã từng lưu dấu chân những chiến sĩ cách mạng ưu tú như: Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực, Nguyễn Tạo, Lê Nam Thắng… sau này làm nên lịch sử bằng những chiến công vang dội khắp Tây Nguyên.

Không khuất phục được nghị lực, ý chí kiên cường của những lao tù cộng sản, không thực hiện được âm mưu xây dựng, mở rông thêm nhà tù, cuối năm 1943 thực dân Pháp đã cho phá hủy Ngục và chuyển toàn bộ số tù nhân về lại nhà đày Buôn Ma Thuột.

Trải qua một thời gian dài, nhà ngục Đắk Mil đã bị đổ nát và trở thành phế tích. Sau nhiều đợt xác minh, sưu tầm các hiện vật và tìm gặp các tù chính trị còn sống, năm 2004 hồ sơ khoa học lịch sử ngục Đắk Mil được xây dựng hoàn thiện và năm 2005 được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 11/2005/QĐ-BVHTT, ngày 17/3/2005.

Ngày 31/12/2010, sau hơn hai năm tiến hành trùng tu, tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành việc khôi phục, xây dựng Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Đắk Mil tại thôn 9A, xã Đắk Lao (Đắk Mil). Công trình do Bộ VHTT&DL đầu tư với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng. Toàn bộ di tích nằm giữa khu dân cư đông đúc với diện tích khoảng gần 1 ha, với 2 hạng mục chính là nhà ngục và nhà trưng bày các hiện vật. Nhà ngục đã được tái hiện lại với diện tích tương tự nhà ngục trước đây thực dân Pháp đã dựng nên, hiện vẫn còn nền móng cũ.

Ngục Đăk Mil là địa chỉ đỏ tại Đăk Mil nói riêng và Tây Nguyên nói chung thể hiện tính kiên cường, bất khuất trước kẻ thù của các bậc cha, anh đi trước. Không chỉ mang giá trị lịch sử to lớn và có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, Di tích còn thể hiện tinh thần đoàn kết Kinh – Thượng trong đấu tranh và đặc biệt là trong giai đoạn chống lại âm mưu “Diễn biến hoà bình” hiện nay.