• Du lịch
  • Di tích lịch sử Ngục Đắk Glei ở Kon Tum

Di tích lịch sử Ngục Đắk Glei ở Kon Tum

Tiếp Thị Sài Gòn - Cách thành phố Kon Tum khoảng 90 km về hướng Tây Bắc, theo đường mòn Hồ Chí Minh chúng ta sẽ tới huyện ĐăkGlây. Ngục ĐăkGlây cách thị trấn ĐăkGlây 20 km về hướng Bắc. Ngục Đăk glây thuộc địa phận làng Đăk Lây xã Đăk Choong huyện Đăk Glây tỉnh Kon Tum.

Ngục được xây dựng năm 1932 là nơi thực dân pháp đã giam giữ các chiến sỹ cách mạng Việt Nam trong những năm 1932 – 1954 nhằm cách ly những nhà hoạt động cách mạng có tầm ảnh hưởng lớn trong dân chúng như nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu. Do vậy đồng bào nơi đây quen gọi nơi này là “ngục Tố Hữu”. Không những Tố Hữu, nơi đây còn giam cầm nhiều nhân vật chủ chốt khác của cách mạng Việt Nam mà sau đó trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng và Chính phủ như Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ v.v…

Ngục Đăk Glây được xem là biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường những chiến sĩ cộng sản bị giam giữ, tù đày tại các nhà giam, nhà ngục của bọn thực dân đế quốc. Hằng năm thanh niên Kon Tum và nhiều tổ chức khác thường có những chuyến hành hương “Về nguồn” thăm viếng, sửa sang, dâng hương hoa tại Ngục.

Ngục Đăk Glây thuộc địa phận làng Đăk Glây xã Đăk Choong huyện Đăk Glây tỉnh Kon Tum, được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 2307/QĐ-BT ngày 30-12-1991.

Cụm di tích lịch sử Ngục Đăk Glây gồm ba công trình nhỏ: Khu đồn canh gác, khu “Căng an trí” và khu nhà ngục.

Đồn ĐăkGlây nằm trên đỉnh đồi Chang Túc (hay đồi Chang T&;né). Đây là một căn nhà được xây dung bằng đá rất kiên cố gồm 4 phòng. Nơi đây là nơi ở và làm việc của các binh lính Pháp. Đối diện với Đồn Đăk Glây khoảng 20m là 1 căn nhà nhỏ chính là khu nhà bếp và bốt gác của Đồn.

Từ vị trí đồn Đăk Glây đi xuống phía Bắc của đồi Chang Túc đến lưng chừng đồi, cách khu vực đồn khoảng 100m là một khu đất bằng phẳng rộng chừng 500m2, đây chính là vị trí Căng an trí, nơi thực dân Pháp giam cầm những người chiến sĩ cách mạng... Khu Căng an trí thực dân Pháp dựng ba dãy nhà làm bằng tre gỗ lấy tại rừng, trên lợp tranh, xung quanh không có vách nhưng toàn bộ khu Căng an trí được chúng rào dây kẽm gai rất kỹ chỉ trừ một cái cửa vừa vào vừa ra. Căng an trí là một khu nhà tạm nên qua thời gian đã bị mất dấu vết.

Đi xuống phía suối Đăk Gla cách khu vực Căng an trí 100m là ngục Đăk Glây. Ngục được xây bằng đá xanh, tường dày 25cm, chiều dài 4,2m, chiều rộng 2,5m. Từ chân lên nóc cao 3,2m, tường ngang cao 2,8m, ngục có một cửa rộng 0,8m, cao 1,8m. Cửa mở hướng nam gần đầu hồi. Tường hồi đối diện với cửa ngục có một lỗ thông hơi mỗi chiều 20cm. Nền ngục không được tráng xi măng.

Chính cái nhà ngục nhỏ bé ấy là nơi phát sáng ý chí kiên cường và tinh thần cách mạng của các bậc tiền nhân, như ý nghĩa của lời thơ “Nơi tăm tối chính là nơi sáng nhất”

Cùng với dòng chảy không ngừng của thời gian, khu di tích lịch sử Ngục ĐăkGlây cũng đã bị mai một và xuống cấp. Khu di tích đã được Bộ đầu tư kinh phí để tôn tạo, tu sửa vào năm 1994, 2004, 2009.

Năm 2004 Bộ lại cấp gần 100 triệu đồng để tiếp tục chống xuống cấp. Tháng 4-2009 lại thêm gần 300 triệu nữa đổ về để đầu tư tôn tạo tiếp.

Di tích lịch sử cách mạng như Ngục Đăk Glây được lưu giữ đến ngày nay chính là minh chứng sống động cho lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh nội lực của đất và người Tây Nguyên trong hành trình vươn lên cùng đất nước.