• Du lịch
  • Di tích lịch sử Khu Lam Kinh ở Thanh Hóa

Di tích lịch sử Khu Lam Kinh ở Thanh Hóa

Tiếp Thị Sài Gòn - Khu di tích Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh, nơi gìn giữ miếu tường của Nhà Lê, nằm ở phía Tây, cách thành phố Thanh Hoá hơn 50km. Với diện tích rộng khoảng 30ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên.

Có những nơi tuy không phải là kinh đô nhưng lại đóng vai trò như trung tâm điều hành thứ hai của đất nước, hoặc là kinh đô của nguồn cội, của tổ tông. Lại có những đô thành của một số lực lượng không thể không tính đến trong lịch sử.

Khu di tích Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh, nơi gìn giữ miếu tường của Nhà Lê, nằm ở phía Tây, cách thành phố Thanh Hoá hơn 50km. Với diện tích rộng khoảng 30ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên.

Voi phục quanh lăng mộ vua Lê

Từ thành phố Thanh Hóa, theo tỉnh lộ 15A đi về hướng tây 51km, du khách sẽ gặp chiếc "nôi vàng". Ðó là Lam Kinh, nơi bắt đầu của thời kỳ hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với bản anh hùng ca đánh đuổi giặc Minh, thu giang sơn về một mối. Lam Kinh nằm trên đất huyện Thọ Xuân, một huyện đã sinh cho dân tộc Việt Nam hai đời Lê (Tiền Lê, Hậu Lê) - vùng đất mà cách đây gần một ngàn năm cụ tổ của Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi thấy chim bay về đậu quây quần thành bầy, quyết định san đất dựng nhà.

Thành điện Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, xa xa là núi Chúa, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương. Khu hoàng thành, cung điện và Thái miếu được bố trí xây dựng theo trục Nam Bắc, trên một khoảng đất đồi gò có hình dáng giống chữ Vương trong chữ Hán, 4 mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, thành phía Bắc xây phình ra thành hình cánh cung với bán kính 164m, thành dầy trên 1m.

Bia Vĩnh Lăng, bia đá lớn nhất nước ta. Hồi Mỹ ném bom miền Bắc, nhân dân vùng Thọ Xuân nơi đây đã đắp đất, lèn đá to như một quả đồi, phủ kín toàn bộ tấm bia giữ cho khỏi bị bom phá.

Nhà bia Vĩnh Lăng

Trên bia ghi lại sự nghiệp, thân thế của vua Lê Thái Tổ, cũng như sự tích Hồ Hoàn Kiếm, tất cả chính do Nguyễn Trãi biên soạn.

Rùa năm móng

Lam Kinh nằm trên đất huyện Thọ Xuân, một huyện đã sinh cho dân tộc Việt Nam hai đời Lê (Tiền Lê, Hậu Lê) - vùng đất mà cách đây gần một ngàn năm cụ tổ của Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi thấy chim bay về đậu quây quần thành bầy, quyết định san đất dựng nhà.

Thái miếu ở Lam Kinh

Điện Lam Kinh nay chỉ còn lại dấu vết của nền móng với những hàng chân cột đã xếp vuông vức hình bàn cờ. Dã sử viết: Hồi quân Tây Sơn ra Bắc, gây nên nạn hỏa, điện Lam Kinh cháy đến mấy tháng liền.

Mặt trước ngoài hoàng thành khoảng 100m còn lại dấu vết của cổng vào rộng trên 6m, hai bên có xây 2 bức tường thành hình cánh cung kéo dài đến sát bờ sông Ngọc, móng tường thành còn lại dầy 1,08m, qua cổng thành khoảng 10m đến một con sông đào có tên là sông Ngọc. Sông này bắt nguồn từ Tây Hồ, chạy vòng qua trước thành và điện Lam Kinh. Trên sông có bắc một cây cầu tên là Tiên Loan Kiều hình cánh cung, còn có tên gọi là Cầu Bạch, trên cầu có nhà, thành dáng Thượng gia hạ kiều, qua cầu khoảng 50m thì đến một giếng cổ.

Trước kia dưới giếng còn thả sen để giữ cho nước mát trong những ngày hè nóng nực, bờ giếng phía Bắc có lát bậc đá lên xuống, gọi là bến nước. Trước Ngọ môn có hai con nghê đá đứng canh. Nền Ngọ môn rộng 11m dài 14,10m, có 3 cửa ra vào. Cửa giữa rộng 3,6m, cửa hai bên rộng 2,74m và được bố trí ở hàng cột chính giữa. Đặc điểm của bốn cột giữa là rất lớn, đường kính chân tảng đo được 78cm. Ngọ môn 3 gian, bước gian giữa rộng 4,60m, bước gian bên rộng 3,50m.

Nối giữa sân rồng và chính điện còn lưu giữ thềm rồng gồm 9 bậc với hai đôi rồng đá được khắc tinh xảo, đặc trưng của kiểu rồng thời Lê.

Rồng đá thời hậu Lê

Phía sau chính điện là dấu vết của chín tòa Thái miếu, mỗi tòa dài 16m, chạy hình vòng cung ôm lấy khu chính điện. Cạnh vết tích của các kiến trúc xưa, những cây thị, cây đa hàng trăm năm tuổi tỏa tán mát rượi cả khu vực.

Căn cứ vào chiều rộng của nền Ngọ môn và xét về tỷ lệ quy mô các công trình kiến trúc toàn khu cung điện, các nhà nghiên cứu về kiến trúc cổ đã đi đến đoán định, Ngọ môn thành điện Lam Kinh là một công trình kiến trúc hoành tráng.

Qua sân rồng đến khu chính điện, gồm 3 toà điện lớn xây trên nền đất rộng, cao 1,80m so với sân rồng, bề ngang 38m, chiều sâu 46m. Mặt bằng của điện bố trí hình chữ công. Điện phía trước gọi là điện Quang Đức, điện dọc ở giữa gọi là điện Sùng Hiếu, điện phía sau gọi là điện Diên Khánh.

Hai điện Quang Đức và Diên Khánh đều 9 gian, gian giữa rộng nhất, hai gian hai đầu hồi chỉ rộng 2m tạo thành hành lang bao quanh cả 3 điện. Đây là công trình kiến trúc gỗ có quy mô lớn, hàng cột cái của cả 3 điện có đường kính 62cm. Căn cứ vào chiều rộng của nền điện, khoảng cách của hai hàng cột cái thì cung điện nay có 2 tầng mái. Kiến trúc ba toà chính điện Lam Kinh có giá trị đặc biệt quan trọng về nghệ thuật kiến trúc thời Lê Sơ.

Từ sân rồng lên chính điện là thềm rộng lớn, rộng 5m có 9 bậc với 3 lối lên, có chiều rộng không bằng nhau, lối giữa rộng 1,80m, lối bên rộng 1,21m. Hai bên lối giữa trang trí hình rồng tạc tròn, thân uốn khúc, trên thân khắc hoa văn hình ngọn lửa trên sóng xoắn, trên đầu thể hiện một bờm, mép rồng trang trí hình râu xoắn, dưới cằm có râu dài xoắn hình vặn thừng, tay rồng giống bàn tay người nắm gọn râu phần dưới đặt trên một viên ngọc. Cửa giữa sau điện Diên Khánh có hai lan can đá mỗi lan can tạc một con rồng có thân và đuôi hình con sóc.

Từ trên điện đi xuống thềm là khu sân Thái miếu. Sau sân gồm 9 toà Thái miếu thờ Thái hoàng Thái phi, mỗi nền Thái miếu có kích thước gần bằng nhau, dài 16m, với diện tích 200m², tổng diện tích của 9 nền thái miếu là 1.800m². Gạch lát nền là gạch vuông lát chéo, giữa các Thái miếu có một lối đi lát gạch rộng khoảng 4m. Lối đi này có thêm tác dụng thoát nước, nền Thái miếu cao so với sân 90cm.

Trước mỗi Thái miếu đều có một lối lên 5 bậc, hai bên lan can tạc hai rồng uốn khúc bằng cả một phiến đá dày nguyên khối, rồng ở đây nhỏ hơn rồng ở thềm trước chính điện nhưng hình dáng và phong cách giống nhau. Sau khu Thái miếu khoảng 50m là tường thành phía Bắc, xây theo hình vòng cung, có đường kính 165m, ôm bao bọc toàn khu cung điện và Thái miếu mặt Bắc.

Ngoài các công trình quan trọng như chính điện Thái miếu ra, trong khu hoàng thành còn nhiều công trình khác. Trong khu Sơn Lăng của triều Lê Sơ ở Lam Kinh gồm có 8 lăng của các Vua và Hoàng Hậu, trong đó lăng của Lê Thái Tổ mai táng ở điểm huyệt quan trọng và thần diệu nhất. Lăng của các vua kế nghiệp và Hoàng Hậu mai táng ở hai phía Đông và Tây.

Ở đây, ngoài việc viếng thăm lăng tẩm của vua Lê Thái Tổ, bia Vĩnh Lăng do Nguyễn Trãi biên soạn hay cây đa cổ thụ ngàn năm, ngôi giếng cổ, đôi rồng đá, bạn đừng quên “sờ” thử một lần "cây ổi cười" trong lăng mộ của vua.

Cây ổi này trông không khác gì một cây ổi bình thường, cành khẳng khiu, có vẻ rất già cỗi và nằm một góc lặng lẽ trong khu lăng mộ. Điều đặc biệt là chỉ cần bạn dùng móng tay cào nhẹ vào bất cứ điểm nào trên thân cây từ gốc đến ngọn là lập tức toàn bộ cành lá của nó rung lên như đang cười. Trạng thái “cười” của cây ổi này không phải do có gió thổi hay bị tác động như rung, lắc. Chính vì vậy mà người ta liên tưởng rằng cây ổi đang cười và chỉ cười khi bị “thọc lét”.

Những năm gần đây, Nhà nước đầu tư khá lớn để khôi phục nhiều di tích ở Lam Kinh, biến nơi này thành một điểm du lịch văn hóa, lịch sử hấp dẫn.