• Du lịch
  • Di tích lịch sử Đồn điền Cada ở Đắk Lắk

Di tích lịch sử Đồn điền Cada ở Đắk Lắk

Tiếp Thị Sài Gòn - Trong suốt lịch sử hơn trăm năm xuất hiện tại Việt Nam, cà phê đã trở thành một trong 10 mặt hàng xuất khẩu quan trọng của cả nước và là cây kinh tế chủ lực của Tây Nguyên. Cà phê hôm nay không chỉ mang trong mình sứ mệnh “cất cánh” cho một vùng đất mà còn trở thành đại sứ ngoại giao của Việt Nam.

Chắt lọc từ truyền thống, cà phê Dak Lak hôm nay không chỉ có giá trị về kinh tế mà cả về văn hóa.

Khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ ở Dak Lak, là vùng đất màu mỡ, cao nguyên này nhanh chóng được phủ một màu xanh bằng bạt ngàn cao su, cà phê. CADA ghi dấu là một trong những đồn điền cà phê lớn nhất thời ấy, bao chiếm khoảng 1.000 ha. Đồn điền CADA được thành lập, với chính sách khai thác, vơ vét thuộc địa, người công nhân (nông phu) là nạn nhân của nạn cướp đoạt ruộng đất và bần cùng hóa, trong đó có đồng bào Êđê, M’nông chiếm tới 70%. Dưới chế độ bóc lột của thực dân Pháp, người công nhân bị đối xử vô cùng tàn nhẫn, đời sống hết sức cơ cực. Đội ngũ công nhân đồn điền không ngừng đứng lên đấu tranh để tự giải phóng. Phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ, CADA đã trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc của Đảng và chính quyền cách mạng tỉnh. Công nhân Đồn điền Cà phê CADA đã biến một đồn điền của thực dân Pháp thành cơ sở hoạt động cách mạng và là nơi giành được chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ông Bùi Tuế (thường gọi là Bảy Tuế) sinh năm 1937 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, hiện sống tại buôn Ea Yông A2 (xã Ea Yông, huyện Krông Pak), một công nhân của Đồn điền cà phê CADA kể, năm 1959 ông vào Dak Lak làm công nhân cho đồn điền. Năm 1965 ông tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ đưa tin, tiếp phẩm lương thực cho cách mạng. Vào những năm đầu thập niên 1970, phong trào đấu tranh chống Mỹ ngụy diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp trong các tầng lớp, giai cấp công nhân, lúc đó ông là Đội trưởng Đội du kích B gồm 17 người. Họ đều là công nhân ở đồn điền, ban ngày vừa làm nhiệm vụ lao động sản xuất, do thám nắm tình hình địch, đêm đến tiếp cận địa bàn Buôn Ma Thuột, gài chất nổ vào trụ sở cơ quan, khu vực đóng quân của địch để gây rối, đánh lạc hướng địch. Mỗi thành viên trong Đội du kích B đều thông thạo địa bàn, sẵn sàng dẫn đường, chuyển tin cho cách mạng. Sau ngày giải phóng, nhiều chiến sĩ trong Đội du kích B đã chuyển ngành sang công an, công tác ở nhiều tỉnh, một số ở lại tiếp tục làm công nhân đồn điền. Riêng ông Bảy Tuế nhận khoán 4 ha cà phê của Hợp tác xã Ea Yông A cho tới nay.

Đồn điền CADA - nơi thành lập Chính quyền cơ sở đầu tiên trong Cách mạng Tháng Tám tại Dak Lak. Ảnh: T.L

Nếu trong lịch sử đấu tranh cách mạng, CADA đánh dấu sự trưởng thành của công nhân góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Dak Lak thì ngày nay CADA là vùng cà phê trù phú. Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An (tiền thân là Công ty Cà Phê Phước An) là đơn vị tiếp quản toàn bộ diện tích của Đồn điền CADA theo Quyết định số 109/QĐ-UB của UBND tỉnh Dak Lak Ngày 01-3-1977. Phát huy thế mạnh của vùng đất được người Pháp chọn trồng cà phê đầu tiên tại Việt Nam, với cao nguyên đất đỏ Bazan rộng lớn và khí hậu đặc trưng phù hợp cho cây cà phê phát triển, sau hơn 35 năm, Công ty đã khẳng định là một trong những doanh nghiệp trồng, chế biến, thu mua và xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những đơn vị dẫn đầu về sản xuất, tiêu thụ cà phê chất lượng theo tiêu chuẩn UTZ Certified (Cà phê sạch bảo đảm truy nguyên nguồn gốc).

Kể từ khi những cây cà phê đầu tiên cắm rễ trên cao nguyên Dak Lak mở đầu lịch sử phát triển một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cà phê Dak Lak hiện đã chiếm 50% sản lượng cà phê cả nước và có mặt tại thị trường của khoảng 80 quốc gia, vùng lãnh thổ, góp phần vào thành tích đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Cà phê không chỉ trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây bởi nó gắn liền với nước mắt, mồ hôi và cả máu xương của người lao động bản xứ, của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân. Và như những gì mà ông Bảy Tuế chia sẻ, ông may mắn là người vẫn còn sống đến ngày hôm nay để chứng kiến nhiều đổi thay của vùng đất, con người nơi đây. Từ một khu đất rộng lớn, hầu như không có đường đi, chủ yếu là cây cà phê, nhà cửa thưa thớt, đến nay nhiều khu dân cư mọc lên san sát, đường sá được quy hoạch bài bản, thông thương đi lại dễ dàng. Hạt cà phê CADA nói riêng và của Dak Lak nói chung trước kia chủ yếu phục vụ cho tầng lớp quý tộc, thì nay đã đi khắp năm châu và bất kỳ người dân nào cũng dễ dàng thưởng thức hương vị thơm ngon của nó.