• Du lịch
  • Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải ở Quảng Trị

Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải ở Quảng Trị

Tiếp Thị Sài Gòn - Mỗi khi du khách đi qua Quảng Trị, Khu Di tích lịch sử Cầu Hiền Lương luôn là địa điểm không thể bỏ qua, bởi ý nghĩa và giá trị lịch sử mà khu di tích đã để lại đến ngày nay.

Cầu Hiền Lương được xây dựng từ năm 1928 do phủ Vĩnh Linh (cũ) huy động nhân dân góp vốn xây dựng, ban đầu chỉ cho nhân dân đi bộ qua lại giữa hai bờ sông Bến Hải, sau nhiều lần được thực dân Pháp nâng cấp, sửa chữa phục vụ mục đích quân sự, xe cơ giới đã có thể qua lại được cầu. Sau khi thất bại ở Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký hiệp định Genève, trao trả độc lập cho Việt Nam, lấy sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 làm giới tuyến, thành hai vùng tập trung quân sự: Quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rút về miền Bắc, quân đội Liên hiệp Pháp rút về miền Nam. Ban đầu, việc chia đôi hai vùng quân sự này chỉ có giá trị trong vòng 2 năm (1954-1956), sau đó sẽ được tổng tuyển cử, để thống nhất đất nước. Nhưng vào năm 1956, chính quyền Việt Nam cộng hòa của Ngô Đình Diệm dưới sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đã đơn phương không tham gia tổng tuyển cử, do đó sông Bến Hải tiếp tục là nơi chia cắt hai miền đất nước cho đến năm 1975.

Từ khi sông Bến Hải thành giới tuyến, cầu Hiền Lương cũng bị chia đôi. Rõ ràng nhất là giữa cầu được vạch một đường chỉ ngang, sơn trắng, rộng 1cm, làm ranh giới hai miền. Từ đó, đã diễn ra “cuộc chiến màu sơn cầu” trên cầu Hiền Lương. Chính quyền Sài Gòn liên tục sơn lại màu cầu bên phía miền Nam để âm mưu dùng màu sơn, sử dụng chiến tranh tâm lý, chia cắt đất nước ta. Nhưng mỗi lần chúng thay đổi màu sơm, là ngay lập tức, các chiến sỹ công an của ta lại sơn màu giống hệt, tỏ rõ lập trường vững vàng của nhân dân miền Bắc, đất nước Việt Nam là một khối gắn kết, không gì có thể chia cắt được. “Cuộc chiến” này kéo dài suốt 5 năm, nhưng cuối cùng Chính quyền Sài Gòn phải chịu thua trước khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân ta, chấp nhận để màu sơn cầu là màu xanh.

Cuộc đấu tranh chính trị, không tiếng súng còn tiếp tục diễn ra từ năm 1954-1964 ở hai bên bờ sông Bến Hải. Theo hiệp định Genève, mỗi bên có 2 đồn cảnh sát : đồn Hiền Lương , Cửa Tùng (bờ bắc) , đồn Xuân Hòa và Cát Sơn (bờ nam), thường gọi là Đồn Liên hợp. Số cảnh sát mỗi đồn quy định không quá 20 người. Cảnh sát có nhiệm vụ giữ gìn quy chế khu phi quân sự , kiểm tra người qua lại giới tuyến. Ai muốn qua phải có giấy thông hành do hai đồn hai bên cấp, chỉ được vào các chợ buôn bán, không được đi sâu vào các làng xóm. Riêng cầu Hiền Lương dân không được qua. Hàng tháng vào ngày chẵn, một tổ 3 cảnh sát của ta mang sổ trực qua cầu sang bờ Nam, và vào ngày lẻ, một tổ 3 cảnh sát ngụy sang bờ bắc trao đổi công tác. Ở đồn Cửa Tùng, mỗi tuần cảnh sát hai bên “đổi bờ” một lần với một tổ 6 người. Mỗi đồn thường xuyên có 2 người trực, một ta một địch . Đến cuối tuần, hai bên cùng ký biên bản đổi bờ. Cuốn “sổ trực ban” đồn Cửa Tùng hiện vẫn còn được lưu giữ tại phòng truyền thống Vĩnh Linh.

Chính tại những đồn liên hợp này đã diễn ra những “cuộc chiến âm thanh” căng thẳng giữa cảnh sát Sài Gòn và công an ở bờ bắc. Hai bên giới tuyến đều được trang bị các dàn loa công suất lớn, phát thanh hàng ngày. Bên bờ Nam liên tục phát đi những lời nói xuyên tạc chế độ miền Bắc, nhằm chia rẽ tình cảm hai miền, lung lạc ý chí của nhân dân các vùng lân cận. Phía ta cũng không chịu thua thiệt, được nhà nước đầu tư những dàn loa có thể vang xa hàng km, trong đó phải kể đến loại loa có đường kính lên tới 1.7m, công suất 500W, được đặt trên xe lưu động, mà hiện nay vẫn còn được đặt trước Bảo tàng Vĩnh Linh. Mỗi ngày 24/24 giờ, hệ thống loa này phát đi chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền thanh Vĩnh Linh, chương trình ca nhạc, ngâm thơ, nói vè, kịch, dân ca, chương trình của Đội truyền thanh lưu động…. rất hấp dẫn. Để “đấu khẩu”, Mỹ - Diệm đã đưa đến những tên phụ trách tâm lý chiến rất nguy hiểm, toàn nói những điều xuyên tạc, sai lịch sử, tung hô chính quyền Ngụy Sài Gòn, vùi dập chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mỗi ngày chúng nói từ 14 đến 15 tiếng đồng hồ, bắt đầu từ một, hai giờ sáng, mở hết công suất loa, gây khó chịu cho nhân dân quanh vùng. Qua thông tin tình báo, công an miền Bắc biết được tên của tên “tâm lý chiến” hàng đêm đó là Phương. Vào một đêm năm 1963, 4 chiến sĩ công an ta đã bí mật vượt sông, giết tên Phương ngay lúc hắn đang xuyên tạc qua loa phát thanh, nhân dân biết tin vậy vô cùng mừng rỡ. Đến năm 1965, khi Mỹ ném bom miền Bắc, hệ thống loa phóng thanh của cả hai bờ mới hoàn toàn ngưng hoạt động…

Chiến tranh tâm lý, chính trị còn thể hiện ở cột cờ hai bên bờ sông Bến Hải. Cũng theo quy định của hiệp định Genève, tất cả các đồn cảnh sát giới tuyến phải treo cờ hàng ngày. Cột cờ Hiền Lương ra đời trong ý nghĩa nhằm xây dựng một biểu tượng để nhân dân hai bờ có thể thấy được “sự vượt trội” của mỗi chế độ. Tại đây, liên tục từ năm 1954 đến 1967, đã diễn ra cuộc “chạy đua” độc đáo nhằm giành ưu thế về chiều cao của cột cờ và chiều rộng của lá cờ. Đối với nhân dân Việt Nam, lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí đấu tranh cho độc lập tự do và thống nhất đất nước. Ngoài ra, khi được đặt ở đầu cầu Hiền Lương, quốc kỳ còn có ý nghĩa giúp nhân dân miền Nam thấy được sự hơn hẳn của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đối với chế độ tay sai miền Nam. Chính vì lẽ đó, vào ngày 8/10/1954, ta dựng cột cờ đầu tiên cao 12m, lá cờ rộng 24m2 để nhân dân bên bờ Nam từ xa cũng có thể nhìn thấy, để luôn luôn giữ vững tinh thần hướng về miền Bắc ruột thịt của nhân dân. Ở bờ Nam, địch cắm lá cờ tam tài của Pháp và lá cờ vàng ba sọc đỏ của chính quyền Bảo Đại lên nóc lô cốt Xuân Hòa cao 15m. Sau đó, ta nâng cột cờ lên 18m, lá cờ rộng 32m2. Từ 30/6/1955, Pháp chuyển giao các đồn cảnh sát cho chính quyền Ngô Đình Diệm, lá cờ Pháp bị bỏ đi. Từ đây, cuộc đấu tranh nâng cao cột cờ giữa ta và địch mới thực sự diễn ra gay gắt, thể hiện trình độ kĩ thuật cũng như ý đồ chính trị của mỗi bên. Địch xây cột cờ cao 25m, lá cờ rộng 96m2, ta xây cột cao 32m, lá cờ rộng 108 m2, trên đỉnh gắn ngôi sao bằng đồng có đường kính 1.2m, năm đỉnh sao gắn 15 bóng điện; sau đó địch lại xây cột cờ cao 35m, ta lại xây cột cờ bằng thép cao 38.6m, lá cờ rộng 134 m2, nhân dân ở bờ Nam cách xa 6 - 8km đều có thể nhìn thấy, làm ấm lòng nhân dân miền Nam. Do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, tính từ 19/5/1956 đến 8/10/1967, ta đã treo hết 267 lá cờ các loại. Hai cột cờ, một cao một thấp, biểu tượng cho hai chế độ cùng tồn tại song song trên giới tuyến cho đến ngày 2/8/1967, khi Mỹ huy động một lực lượng lớn pháo binh, không quân, hải quân phối hợp đánh gãy cột cờ ta. Ngay trong đêm đó, ta đặt bộc phá tiêu hủy cột cờ ở bờ Nam.

Ngày 3/8/1967, Đồn Công an Hiền Lương dựng lên một cột cờ mới bằng gỗ. Liên tục trong nhiều năm, sau mỗi trận đánh, cột cờ gãy đổ, lá cờ bị mảnh bom, đạn pháo xé rách, lập tức một cột cờ mới, một lá cờ mới được thay thế. Để có được điều đó, không thể không kể đến công sức của mẹ Nguyễn Thị Diệm ở thôn Hiền Lương. Dù tuổi cao sức yếu nhưng mẹ đã kiên quyết không chịu đi sơ tán mà ở lại bám trụ, hàng ngày cần mẫn khâu vá lại từng lá cờ, khi cờ mới chưa kịp đưa vào.

Đôi bờ Hiền Lương đã trở thành "nhân chứng lịch sử", trên 20 năm mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước, nơi đã chứng kiến cảnh tang tóc, đau thương nhưng vô cùng anh dũng, kiên trung của nhân dân đôi bờ Nam - Bắc vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Cụm di tích tại đôi bờ Hiền Lương là minh chứng cho lòng yêu nước, Nam – Bắc một lòng của nhân dân trước những âm mưu chống phá, chia rẽ của kẻ thù.