Tiếp thị Sài Gòn
Nâng tầm thương hiệu
NEWS  |  TAGS

720 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, TPHCM

  • Du lịch
  • Di tích Đình Sen Hồ ở Bắc Giang

Di tích Đình Sen Hồ ở Bắc Giang

Tiếp Thị Sài Gòn - Đình Sen Hồ là công trình tín ngưỡng tiêu biểu của nhân dân địa phương, là di tích mang trong mình giá trị kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu.

Người dân thôn Sen Hồ, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang năm 2013 rất vinh dự, tự hào khi đình Sen Hồ đã được công nhận là di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đó là sự cố gắng rất lớn của người dân nơi đây luôn có tinh thần gìn giữ, phát triển những giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật vô cùng thiêng liêng.

Đình Sen Hồ là công trình tín ngưỡng tiêu biểu của nhân dân địa phương, là di tích mang trong mình giá trị kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu.

Ngôi đình được tạo bởi 3 gian 2 chái tòa tiền đình nối với 2 gian tòa hậu cung tạo cho bình đồ kiến trúc hình chữ J. Tòa tiền đình được tạo bởi 3 gian 2 chái, 4 mái với 4 đao cong. Tường xây gạch chỉ, bắt mạch để mộc. Mái lợp ngói mũi, bờ nóc, bờ chảy gắn gạch rồng hoa chanh. Chính giữa bờ nóc đắp nổi đề tài "lưỡng long chầu nhật". Hai đầu hồi đắp nổi hai con kìm, miệng há rộng ngậm vào bờ nóc (kìm được đắp với mũi nở, trán nhô cao, mắt nồi, đuôi vênh cong hình chữ S. Các đầu đao được tạo tác lá cúc lật và được gắn hình đầu rồng tạo cho đình vẻ thanh thoát nhẹ nhàng. Trên bờ chảy đắp nổi hình con nghê ở tư thế đang rượt về phía trước. Phía trước hai chái tòa tiền đình xây gạch chỉ, bắt mạch để mộc, giữa tạo cửa sổ hình chữ Thọ cách điệu giúp cho việc lưu thông không khí và lấy ánh sáng vào bên trong đình. Tòa tiền đình trổ 3 cửa theo kiểu thượng song, hạ bản được chạm khắc hoa văn đề tài tứ linh "long, ly, quy, phượng" và đề tài tứ quý "tùng, cúc, trúc, mai" khá đẹp mắt.

Đặc biệt khi đến di tích đình Sen Hồ du khách không thể không quan tâm đến các chi tiết chạm khắc vô cùng tinh xảo. Các chi tiết chạm khắc dày đặc trên các đầu bẩy, đầu dư, đấu kê, bức cốn nách, trên cửa võng....mang đậm phong cách nghệ thuật chạm khắc thời Lê-Nguyễn.

Nét chạm khắc mang phong cách thời Lê (thế kỷ XVII-XVIII) được thể hiện ở các đầu dư tòa tiền đình. Các đầu dư tòa tiền đình được chạm khắc hình đầu rồng với râu và đao mắt có hình lưỡi mác tù bay ngược ra đằng sau, miệng rộng, mũi sư tử, răng nanh to nhọn, nhìn rất dữ tợn. Hình phượng trên kẻ hiên trước tòa tiền đình, các dải mây lửa hình lưỡi mác tù chạm trên đầu bẩy tòa tiền đình là những mảng chạm mang phong cách đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII. Các nghệ nhân dân gian áp dụng phổ biến thủ pháp chạm nổi, chạm kênh bong-là sự kết hợp của hai thủ pháp chạm nổi và chạm lộng, tạo thành nhiều lớp, nhiều không gian, ngay trên một khối gỗ, một đề tài.

Nét chạm khắc mang phong cách thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX) được thể hiện ở các chi tiết cấu kiện dày đặc hơn và chủ yếu là trong tòa tiền đình. Đó là: Ở hệ thống kẻ hiên (hai vì gian chái), và hệ thống bẩy hiên (ở hai vì gian giữa) phía trước với nét chạm khắc hình vân mây, lá cúc lật, các vân mây xoắn hình chữ S rất tinh xảo. Trên kẻ trước tòa tiền đình có chạm hình chim phượng sải hai cánh rất độc đáo. Trên mỗi đấu kê được chạm khắc tinh xảo, phong phú: đề tài thuyền có khắc chữ Thọ, hình quả đào. Nét chạm khắc to, mập. Nghệ thuật chạm khắc thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX) dày đặc nhất trong đình Sen Hồ phải kể đến đó chính là các mảng chạm ở các bức cốn nách trên các vì của tòa tiền đình. Nét chạm khắc được nghệ nhân dân gian xưa vận dụng các thủ pháp, kỹ thuật chạm truyền thống: Chạm nổi, kênh bong, chạm lộng ...sáng tạo ra những tuyệt tác có giá trị với nhiều đề tài phong phú: hình mây lưỡi mác, mây lửa, hình tượng tứ linh: "long, ly, quy, phượng", "long vân đại hội", "long hóa cúc"... Cùng là đề tài tứ linh: "long, ly, quy, phượng" mỗi mảng cốn lại được thể hiện khác nhau.

Các đầu dư tòa tiền đình được chạm khắc hình đầu rồng với râu và đao mắt hình lưỡi mác tù bay ngược ra đằng sau, miệng rộng, mũi sư tử, răng nanh to nhọn, nhìn rất dữ tợn. Các nghệ nhân dân gian áp dụng phổ biến thủ pháp chạm kênh bong-là sự kết hợp của hai thủ pháp chạm nổi và chạm lộng, tạo thành nhiều lớp, nhiều không gian, ngay trên một khối gỗ, một đề tài.

Ở phía trước hậu cung có hai mảng cốn khá rực rỡ. Hai mảng cốn là hai con rồng chầu canh giữ trước "cửa cấm". Hình tượng con rồng thật dữ tợn: mũi gồ, miệng bạnh nhìn rõ răng nanh, bờm rồng có 5 dải dựng đều nhau, tai rồng là lá cúc biến thể, đuôi rồng là một dạng đuôi gù gồm 5 dải tỏa ra xoáy ngược chiều kim đồng hồ. Rồng xoáy vòng tròn chia hai nửa thành hai nửa của vòng âm dương. Các vân mây đều biến thành lá cúc lật.

Cửa võng trước cửa cấm hậu cung cũng rất hài hòa điêu luyện. Nó được gắn liền che kín hết phần thô của kết cấu bộ vì. Phần diềm của cửa võng phía trên là hình: "lưỡng long chầu nhật". Hình tượng con rồng khá mềm mại, chau chuốt bởi hệ thống đao, vân mây...phần diềm xung quanh của võng là hệ thống hoa lá cúc lật.

Đình Sen Hồ được xây dựng với quy mô to lớn, bề thế mang đặc trưng của ngôi đình cổ xứ Bắc. Trong đình hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật được chạm khắc tinh xảo, sơn thếp lộng lẫy có giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật cao như: Ngai thờ, bài vị, giá đài, cửa võng, kiệu, lư hương gốm…

Đình Sen Hồ là nơi thờ Đức Thánh Tam Giang - vốn là thuộc tướng của Triệu Quang Phục. Các ông đã phò vua giúp nước, có nhiều công lao chống giặc Lương thế kỷ thứ VI. Khi hiển Thánh các ngài còn âm phù giúp cho nhà Lý diệt giặc Tống, phù Lê đánh giặc Minh giúp cho đất nước được bình yên, nhân dân đời đời no ấm. Hiện có hơn 300 làng dọc theo sông Cầu từ "Thượng Đu Đuổi, chí hạ Lục Đầu Giang" tôn các ông làm Thành Hoàng làng, lập đền, đình thờ phụng. Đình còn phối thờ Diên Bình công chúa: Diên Bình là con gái của vua Lý Thánh Tông, là vợ của Phò mã Dương Tự Minh. Bà đã cùng chồng dẹp yên tên lộng thần Đỗ Anh Vũ. Đồng thời với bản tính từ bi, đôn hậu, bà đã giúp đỡ nhân dân nhiều nơi lập chùa xây miếu, cứu vớt những người nghèo khó cho nên khi bà qua đời nhân dân nhiều nơi lập đền thờ tưởng nhớ công ơn. Ngoài ra đình còn thờ Ngũ Minh định quân Hạc Tướng công (hiện chưa có tài liệu nào ghi chép về lai lịch, công trạng của ông).

Hằng năm, lễ cúng tế lớn nhất tại đình chính là ngày sinh nhật đức thánh Tam Giang ngày 5 tháng Giêng. Trong ngày hội, dân làng thường tổ chức tế, ruớc long trọng và các trò chơi dân gian đặc sắc như đấu vật, đập niêu, chọi gà... Đặc biệt vào ngày lễ hội, làng cho dựng sân khấu nổi ở giữa hồ gần đình, chùa để hát Quan họ, góp phần bảo tồn và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa Quan họ vùng bờ Bắc sông Cầu.

Xét giá trị của di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định xếp hạng đình Sen Hồ thuộc loại hình Di tích Kiến trúc-nghệ thuật cấp quốc gia (Quyết định số 670/QĐ-UBND ngày 07 tháng 02 năm 2013).