• Du lịch
  • Di tích Đền Văn Giáp ở Ninh Bình

Di tích Đền Văn Giáp ở Ninh Bình

Tiếp Thị Sài Gòn - Đền Văn Giáp là di tích Lịch sử, văn hóa được Nhà nước xếp hạng năm 1994. Một danh lam thắng cảnh đẹp trong vùng. Ngôi đền được sáng lập từ thời Hậu Lê và trùng tu tôn tạo vào triều Nguyễn. Được nhà nước cấp kinh phí 2 lần đại tu năm 1996 và năm 2010 - 2011.

Khu đền được xây trên khoảng đất rộng, cao ráo gồm: Chính cung, Trung đường, Tiền đường và hai nhà tả vũ, hữu vu bề thế. Với kiến trúc cổ, những tảng đá, cột đá xà bản bề thế, chạm trổ tứ linh. Tất cả công trình kiến trúc đồ sộ phong phú và đa dạng đều mang đậm nét kiến trúc văn hóa Việt Nam. Căn cứ vào các tư liệu lịch sử của Nhà nước ghi nhận và các hiện vật lưu trữ hiện có tại di tích như: Thần phả, gia phả, đại tự, câu đối, đồ tế tự và 9 bản sắc phong qua các triều đại.

Ngôi đền là nơi tôn thờ vị lưỡng quốc Trạng nguyên thời nhà Trần: Trần Triều tiến sỹ Sơn Tây Kinh Lược Sử. Đại Sứ Thần là người thông minh tài giỏi. Triều đình Trung Quốc định mua chuộc, muốn giữ lại. Nhưng với tấm lòng trung quân ái quốc, ông đã khéo từ chối và đối lại được câu đối mà vua Trung Quốc phải phục tài rồi phong ông là Lưỡng quốc Trạng Nguyên rồi mở hội rước ông về nước. Trên đường về đến tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), ông mất và an táng tại đó. Ngoài ra, đền là nơi tôn thờ các vị Tam tể tướng, Thập bát vị quận công (3vị tể tướng và 18 vị quận công); Các vị công chúa và công đồng các vị danh nhân họ Tạ thời Hậu Lê đã có công cùng với nhà Lê xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Thượng tướng Tạ Nhân Thọ dũng khí song toàn, được vua Lê cho chọn 36 mẫu đất tại đây để làm ruộng canh tác. Từ đây, chi giáp họ Tạ được tách ra. Ông thuộc chi cả về ở đất Văn Giáp. Ở đây, ông cho đào hào, đắp lũy, xây dựng dinh thự. Thời kỳ ở với nhà Lê, ông cùng với các vị tướng quốc họ Tạ và 18 vị quận công họ Tạ tham gia 17 trận dẹp loạn đều thắng lớn. Nên được vua phong 70 chàng trai ở khắp các nơi trong cả nước để con cháu quân lính tách ra làm ăn sinh sống.

Từ xưa, đền Văn Giáp là nơi tôn kính linh thiêng. Hàng năm, lễ hội rước thánh, tế tử được tổ chức vào các ngày mồng 7, mồng 8 tháng giêng (âm lịch) và ngày giỗ thánh vào ngày 18 tháng 10 (âm lịch), khách thập phương trong vùng nô nức về dự lễ hội cầu mong được thánh phù hộ ban phát tài lộc. Lễ hội đền Văn Giáp được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa dân gian. Đây cũng là dịp bà con thuộc dòng họ Tạ ở khắp mọi miền Tổ quốc thuộc 70 chàng trai xưa kia về hội tạ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.