Tiếp thị Sài Gòn
Nâng tầm thương hiệu
NEWS  |  TAGS

720 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, TPHCM

  • Du lịch
  • Di tích Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành ở An Giang

Di tích Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành ở An Giang

Tiếp Thị Sài Gòn - Di tích lịch sử Đền thờ Quản Cơ Trần Văn Thành nằm sâu trong con đường làng bên bờ kinh Xáng Vịnh Tre (Kinh Tri Tôn), thuộc khu vực cánh đồng Láng Linh, ấp Long Châu I (nay ấp Bờ Dâu), xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Di tích còn có tên là Bửu Hương tự, nhân dân thường gọi chùa Láng Linh, chùa Nhà Láng. Di tích là nơi thờ, tưởng nhớ Chánh Quản Cơ Trần Văn Thành, người có công lớn trong việc khai phá vùng Láng Linh và lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp trong những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XIX.

Quản cơ Trần Văn Thành (dân gian trân trọng tôn xưng ông là Đức Cố Quản), đã có một thời gian dài đóng góp nhiều công sức, nhiều hoạt động đáng kể trong công cuộc khẩn hoang lập làng, ông là một võ quan đời vua Tự Đức, có công đánh dẹp giặc và bình định vùng Bảy Núi và được thăng chức Chánh Quản Cơ. Vốn là người yêu nước nên khi Pháp chiếm An Giang, thanh thế mạnh mẽ nên ông chiêu mộ quy tụ được nhiều nghĩa quân yêu nước khắp Nam Kỳ lục tỉnh, lập căn cứ chống Pháp tại vùng Láng Linh – Bảy Thưa, nghĩa quân tổ chức thành nhiều đội. Với tinh thần dũng cảm chống giặc, nghĩa quân đánh phá nhiều đồn bốt giặc ở Châu Đốc, Tịnh Biên và đã làm tiêu hao không ít lực lượng của giặc. Năm 1872, Quản Cơ Trần Văn Thành phất cờ khởi nghĩa, lấy danh hiệu “Binh Gia Nghị”. Năm 1873, Pháp tập trung lực lượng đánh dẹp, cuộc chiến đấu không ngang sức ngày 20/3/1873, cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa tan rã.

Trải qua một thời gian dài hơn 20 năm, kể từ ngày Quản Cơ Trần Văn Thành hy sinh, năm 1897, ông Trần Văn Nhu (con trai trưởng của Quản Cơ Trần Văn Thành) giao cho đại đệ tử Trần Văn Thành tập hợp dân chúng - tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, tiến hành công việc khẩn hoang lập nghiệp. Từ những năm trước khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ ông Nhu dựng lên ngôi đền với mục đích ghi lại dấu tích người xưa, thờ tự tưởng nhớ Quản Cơ Trần Văn Thành và nghĩa binh Gia Nghị đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu quyết liệt chống kẻ thù xâm lược. Đồng thời làm nơi tập hợp nhân dân, qui tụ tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và lực lượng nghĩa quân năm xưa kế tục sự nghiệp mở rộng khẩn hoang, chờ thời cơ khởi nghĩa chống Pháp. Để che mắt địch ông Nhu đặt tên ngôi đền là Bửu Hương tự.

Năm 1938, ông Nguyễn Văn Tịnh, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương vận động nhân dân xây dựng lại đến thờ trên nền cũ. Trong kháng chiến chống Pháp nơi đây là cơ sở cách mạng của xã Thạnh Mỹ Tây và quanh vùng, năm 1947 lực lượng cách mạng tập kết tại chùa, kéo ra đánh tiêu diệt đồn Long Châu Pháp tại xã. Chính vì vậy, năm 1948, thực dân pháp huy động lực lượng tiến hành khủng bố và đốt chùa lần nữa. Song ngọn lửa yêu nước vẫn luôn âm ỉ cháy, trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây vẫn tiếp tục là cơ sở cách mạng vững chắc của địa phương, là nơi đùm bọc nuôi chứa, tiếp tế, hội họp, liên lạc của cán bộ hoạt động cách mạng.

Năm 1952, nhân dân và tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương chung góp công sức tiền của xây dựng lại ngôi chùa lần thứ 3 qui mô hơn và tồn tại cho đến ngày nay.

Đền thờ tọa lạc trong một khuôn viên rộng rãi giữa một vùng quê sông nước yên ả bình dị, xung quanh ngôi đền trồng nhiều cây cổ thu to cao sum xuê cành là phủ xanh mái ngói rêu phong. Đền thờ được xây dựng theo phong cách kiến trúc triều Nguyễn đậm dấu ấn truyền thống dân tộc, là một tổng thể kết hợp hài hòa, bố cục liền nhau, các công trình kiến trúc qui mô, đăng đối hài hòa, đường nét tinh xảo, tạo nên một vẻ đặt sắc riêng. Mặt chính đền thờ hướng ra hồ sen đón nhận ngọn gió mát dịu êm hòa quyện cùng hương sen ngọt ngào, xa hơn một chút là cánh đồng lúa xanh tươi ngút ngàn. Đền thờ là loại hình kiến trúc nghệ thuật đẹp đậm dấu ấn truyền thống dân tộc có giá trị cao về lịch sử văn hóa thời Nguyễn, là di sản văn hóa dân tộc phản ánh giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cư dân người Việt trong buổi đầu khai hoang lập làng, nơi thờ tưởng niệm các danh nhân, anh hùng có công với dân với nước. Bên cạnh lịch sử hình thành, đền thời còn là nơi chứng kiến những thăng trầm lịch sử, gắn liền với quá trình lịch sử lập làng, nơi ghi dấu ấn oanh liệt cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Pháp kiên cường của đoàn quân Gia Nghị do Chánh Quản Cơ Trần Văn Thành lãnh đạo, nơi nuôi chứa tiếp tế lực lượng cách mạng, góp thêm sức mạnh cho các cuộc kháng chiến giành độc lập kế tiếp thắng lợi hoàn toàn, rất xứng đáng để nhân dân các thế hệ tôn kính giữ gìn và tự hào. Từ những giá trị lịch sử qúi báu đó, Đền thờ Quản Cơ Trần Văn Thành vinh dự được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 235/VH-QĐ, ngày 12/12/1986. Từ đó đến nay đền thờ không ngừng được chính quyền địa phương, các ngành chức năng và nhân dân quan tâm đầu tư đóng góp nâng cấp sửa chữa, tạo nên một tổng thể di tích khang trang bề thế, đậm nét uy nghiêm cổ kính, xứng đáng với công lao của vị anh hùng dân tộc, xứng tầm với một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Hằng năm, ngoài các ngày lễ khác, quan trọng nhất là lễ giỗ Chánh Quản Cơ Trần Văn Thành, rất đông nhân dân trong khu vực đến thăm viếng. Lễ hội được chính thức tiến hành vào ngày 21 và 22 tháng 2 âm lịch, nhưng bắt đầu từ rằm tháng 2, mỗi ngày đã có hàng ngàn lượt người đến chiêm bái cúng viếng. Đến nay, di tích đã tồn tại hơn thế kỷ, du khách đến với di tích thường xuyên, khách hành hương ngày một đông. Từ khi được Nhà nước công nhận di tích đến nay, việc tổ chức lễ hội hàng năm được chính quyền địa phương trực tiếp tổ chức tham gia, lễ hội có qui mô lớn hơn theo nghi thức mittinh địa phương, nghi thức tế lễ được Ban Bảo vệ, Ban Tế tự tuân thủ khá nghiêm ngặt theo nghi thức tế lễ truyền thống, các hoạt động lễ hội ngày càng đi vào nề nếp. Đặc biệt từ năm 2003 đến nay lễ hội kỷ niệm hàng năm không còn thu hẹp trong phạm vi địa phương đơn thuần, mà được Nhà nước nâng cấp lên trở thành lễ hội truyền thống lịch sử văn hóa hàng năm của huyện Châu Phú, lễ hội được tổ chức long trọng hơn, trong chương trình lễ nêu ý nghĩa lễ hội, ôn lại công lao to lớn sự hy sinh dũng cảm của Quản Cơ Trần Văn Thành và nghĩa sĩ. Về phần hội được mở rộng, địa phương tổ chức hình thức sân khấu hóa, loại hình mới sinh động và hấp dẫn, ngoài ra còn tổ chức triển lãm chuyên đề, các hoạt động hội thi hội diễn, văn hóa thể dục thể thao sôi nổi hào hứng, các trò chơi dân gian theo phong tục truyền thống, văn nghệ phong phú hấp dẫn phục vụ khách tham quan, thu hút hàng vạn lượt người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, lễ bái. Thông qua các lễ kỷ niệm ngày mất của Quản Cơ Trần Văn Thành, tuyên truyền hành động yêu nước, tấm gương chiến đấu của nghĩa Binh Gia Nghị, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu biết thêm về lịch sử địa phương và truyền thống đấu tranh của cha ông thuở trước.