• Du lịch
  • Di tích Đền thờ Ninh Tốn ở Ninh Bình

Di tích Đền thờ Ninh Tốn ở Ninh Bình

Tiếp Thị Sài Gòn - Nhà thờ Ninh Tốn hiện nay ở xóm 8B - Xã Yên Mỹ - Huyện Yên Mô - Tỉnh Ninh Bình. Nhà thờ được xây dựng trên nền nhà mà Ninh Tốn đã sinh ra và lớn lên. Nhà thờ Ninh Tốn được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 26/1/1996.

Ninh Tốn tự là Khiêm Như sau đổi là hiệu Hị Chi, hiệu là Mẫn Hiên và Chuyết Am Cư Sỹ, Chuyết Sơn Cư Sỹ, Song Am Cư Sỹ và tự là Hy Chí Khiêm Như. Ông sinh năm 1743, mất năm 1795 (Theo gia phả của dòng họ Ninh). Quê ở Côi Trì - Huyên Yên Mô (nay là xã Yên Mỹ - Huyện Yên Mô). Đây là quê hương mới lập nghiệp từ thời (1470 - 1497), còn quê hương cũ vốn ở Ninh Xá - Huyện Chí Linh - Tỉnh Hải Dương. Cụ thân sinh ra ông là Ninh Sản hiệu là Dã Hiên. Ninh Tốn từ nhỏ đã thông minh đĩnh độ. Ông tháng ngày miệt mài với sách vở, ôm ấp một chí khí cao xa. Năm 19 tuổi (1762), ông đỗ Hương Cống. Sau đó, lại tiếp tục theo học với Tiến Sĩ Vũ Huy Đĩnh. Ở đây ông kết thân với hai bạn học là Phạm Nguyễn Du và Vũ Huy Tấn.

Ông đã từng làm quan thời Lê Trịnh (1770 - 1787): Năm Canh Dần (1770), lúc 27 tuổi, Ninh Tốn đến chơi rồi đề thơ ở núi Vân Lỗi (thuộc Thanh Hóa). Một hôm, chúa Trịnh Sâm đi xem xét phong tục, ngự chơi núi ấy, thấy bài thơ trên, liền mến tài thơ mà triệu ông vào giữ chức Thiêm Tri Binh Phiên. Năm Ất Mùi (1775), ông vâng lệnh vào triều nhận chức Hiệu Thảo Thự Sơn Nam hiến sứ. Năm này, ông cùng với Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Sá lo việc biên soạn Quốc sử. Năm 1776, ông có tờ khải về các tệ nạn ở vùng ven biển ven sông, cùng nạn các đại dịch lấy cớ vì việc công để thu lúa, thu thủy sản, làm cho dân khổ. Nhờ vậy, nên có lệnh cấm nghiêm. Năm Đinh Dậu (1777), ông làm Nhập Thiêm Sai Công Phiên. Năm Mậu Tuất (1778), ông đỗ Hội Nguyên tiến sĩ năm 35 tuổi, được cử làm Phụng Tá Quân Hải Lộ. Năm 1779, ông được thăng tứ phẩm. Năm Canh Sửu (1781), lúc ông 38 tuổi, được giữ chức Thiêm Sai Tri Binh Phiên, làm ở Viện cơ mật kiêm Quốc sử quốc luật toản tu, Đông các đại học sĩ, Thự Hình bộ hữu thị lang. Năm 1786, ông làm Hiệp Trấn ở Động Hải (thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Năm 1787, Nguyễn Hữu Chỉnh tâu với vua Lê cho Ninh Tốn làm Tham tán quân vụ, đem quân họp với quân của Lê Duật, chống quân Tây Sơn ở Thanh Hóa. Lê Duật bị quân Ngô Văn Sở giết chết ở Cao Lũng, Ninh Tốn nhờ trốn vào nhà dân được thoát nạn.

Ông đã từng làm quan thời Tây Sơn (1788 - 1790): Năm 1788, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ra Bắc Hà diệt Vũ Văn Nhậm, rồi cho sắp đặt lại quan chức. Ninh Tốn được phong chức Hàn Lâm Trực Học Sĩ. Theo sử liệu thì Ninh Tốn làm quan nhà Lê trải đến chức Hữu Thị Lang, tước Trường Nguyên Bá. Khi nhà Lê mất, ông tiếp tục phục vụ nhà Tây Sơn, giữ chức Thượng Thư Bộ Binh, tước Hầu. Năm Canh Tuất (1790), ông có đề tựa tập thơ “Hoa trình học bộ tập” của thầy học là Vũ Huy Đĩnh và đề tựa cuốn sách y học “Thai sản điều lý phương pháp tự” của bạn là Hoàng Phong Ôn Phủ (tức Nguyễn Thế Lịch), mà người đời sau biết được vào năm đó (47 tuổi) ông đã xin về nghỉ ở quê.

Theo Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam, Ninh Tốn mất năm 1790. Tuy nhiên, theo Gia phả họ Ninh, thì ông mất ngày 5 tháng 5năm Ất Mão (1795). Ông là danh nhân văn hóa, một nhà thơ, nhà viết Sử, nhà biên soạn luật, nhà chính trị và nhà quân sự…. Thơ văn của ông có tinh thần yêu nước, thương dân, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương, đất nước. Tư tưởng và hành động của ông luôn hướng về nhân dân lao động. Điều đặc biệt, di tích là nơi sinh ra và lớn lên của ông. Tại di tích còn lưu giữ được văn bia do Ninh Tốn soạn, sắc phong chức, long ngai bài vị thờ cúng

Nhà thờ gồm 4 Sắc phong: Sắc phong quan Mậu lâm sứ Lạng Sơn chức Hình hiển sát phó sứ là Ninh Tốn, phong thêm Thiên sai tri thị nội thư tả công phiên Hàn lâm viện hiệu thảo; Sắc phong Hiền cung đại phu các xứ Lạng Sơn, giữ chức tán cấp thừa chính sứ ti tham nghị tu thận Thiếu doãn trung liệt. Ninh Ngạn là thân phụ Ninh Tốn là thiên sai tri thị nội thư, tả binh phiên hành cơ sự vụ kiêm Toản tu quốc sử đông các đại học sĩ; Sắc phong cho Lê Thị Liệu ở xã Côi trì - Huyện Yên Mô (có con) là Ninh Tốn giữ chức là Thiêm Sai Tri Thị Nội Thư Tả binh phiên hành cơ mật sự vụ kiêm toản tu Quốc sử, Đông các đại học sĩ. Thân mẫu đã từng chuẩn ứng phong tặng là Nghi nhân; Sắc phong cho Nguyễn Thị Vân - Xã Thịnh Mỹ - Huyện Lôi Dương (có chồng) là Ninh Tốn giữ chức Thiên Sai Thị Nội Thư tả binh phiên hành cơ mật sử vụ kiêm Toản tu Quốc sử, Đông các đại học sỹ. Thân thê từng chuẩn ứng được ấm phong là cẩn nhân.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã ảnh hưởng sâu rộng đến tận ngày nay đối với nhân dân địa phương nơi ông sinh sống. Tự hào về truyền thống quê hương, hàng năm nhà trường tổ chức cho học sinh thăm quan di tích và chăm sóc di tích.