Nâng tầm thương hiệu

Di tích Chùa Phước Điền ở An Giang

Tiếp Thị Sài Gòn - Chùa Hang là tên gọi dân gian của Phước Điền Tự, một trong bốn di tích văn hóa lịch sử của núi Sam. Chùa nằm trên triền phía tây núi Sam, thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Mục lục
Di tích Chùa Phước Điền ở An Giang - Tiếp thị Sài Gòn
Tiếp Thị Sài Gòn - Chùa Hang là tên gọi dân gian của Phước Điền Tự, một trong bốn di tích văn hóa lịch sử của núi Sam. Chùa nằm trên triền phía tây núi Sam, thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Người sáng lập Phước Điền Tự là bà Lê Thị Thơ, sinh năm Mậu Dần (1818), làm nghề thợ may nên thường gọi là bà Thợ. Sau khi gặp cảnh đời ngang trái, bà đã từ bỏ cuộc sống đời thường tìm đến núi Sam vào chùa Tây An xin qui y với pháp danh Diệu Thiện. Tu được một thời gian, nhận thấy chùa Tây An đông người lui tới và bị chính quyền bấy giờ theo dõi nên bà đi lần về hướng tây gặp cái hang sâu yên tĩnh, vắng người, rậm rạp cây cối nên ở lại dựng am tu hành. Sau đó ít lâu, dân sùng đạo địa phương mến mộ công đức của bà nên góp công, góp của xây dựng thành ngôi chùa rộng lớn hơn và từ đó trở thành Phước Điền Tự, nhưng người ta vẫn thường gọi là chùa Hang.

Tương truyền trong hang sâu có cặp rắn rất lớn. Con xanh tên Thanh xà, con trắng tên Bạch xà. Nghe tiếng kinh kệ, hai con rắn bò lên và sau đó được bà Thợ thuần phục. Chúng không hại người mà đêm đêm còn đến nằm khoanh tròn sau lưng bà nghe kinh, ăn đồ chay cúng Phật và trông chừng thú dữ, kẻ gian, bảo vệ yên tĩnh chốn tu hành.

Hiện nay, để tránh nguy hiểm, hang được lấp kín chỉ còn lối đi vào sâu khoảng 10m, trông rất âm u, huyền bí. Từ chân núi đến chùa Hang là đường bậc thang vừa để dễ đi vừa tạo thêm nét đẹp giữa những khối đá chập chùng. Đoạn đường đủ để người ta đi một hơi rồi đứng lại hít thở không khí trong lành, ngước nhìn cảnh chùa cao vời vợi hay ngắm cảnh đồng bằng bao la bát ngát. Trước chùa có hai ngôi bảo tháp màu sắc sặc sỡ, hài hòa, chạm khắc công phu, đứng uy nghi trên sườn núi. Phía dưới là bảo tháp của Hòa thượng Thích Huệ Thiện, vị sư trụ trì đời thứ hai. Phía trên là bảo tháp của bà Thợ. Trước bảo tháp của bà Thợ là mộ thầy Thông Phán, tức ông Nguyễn Ngọc Cang, người đóng góp rất nhiều cho đợt trùng tu lần đầu tiên. Chính giữa chùa thờ tượng Phật Thích Ca cùng với các vị Quan Âm, A Di Đà, Đại Thế Chí ở hai bên. Đặc biệt, phía trước là cây cột phướng đồ sộ cao hơn 20m. Dưới thềm chùa là hai tượng sư tử bằng xi-măng khá sinh động. Bên trái chùa là ngôi Tây lang và bên phải là Đông lang.

GỬI Ý KIẾN BÌNH LUẬN