• Du lịch
  • Di tích Chùa Lạc Khoái ở Ninh Bình

Di tích Chùa Lạc Khoái ở Ninh Bình

Tiếp Thị Sài Gòn - Chùa Lạc Khoái nằm trên thôn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Chùa nằm ở đầu làng. Cấu trúc của chùa được xây dựng theo lối kiến trúc cổ. Lối kiến trúc này có ý nghĩa và giá trị lớn đối với các nhà nghiên cứu sử học, văn hóa, mỹ thuật, hội họa…..

Chùa có hai ngôi là chùa Thượng và chùa Hạ.

* Chùa Thượng.

Chùa được xây dựng giữa lưng chừng núi Bảng, tạo dáng như cỗ ngai. Chùa kiến trúc kiểu chữ Đinh : Tiền đường 5 gian, tam bảo 2 gian. Tiền đường làm kiểu chồng giường, bẩy kẻ. Chùa có chuông cao 90 cm, đường kính 50 cm, đúc năm Mậu Tý (1888). Chuông được trạm khắc tứ linh, cùng nhiều họa tiết mền mại. Trước cửa chùa có bức nghinh phong còn gọi là Tắc Môn.

Nếu đứng quay nhìn vào chùa thì gian giáp đốc phía tay phải là gian đặt bệ thờ tượng Đức Ông. Phía tay trái ở gian giáp đốc đặt bệ thờ tượng Đức Thánh Hiền. Hệ thống tượng pháp trong chùa rất đa dạng và phong phú. Đáng chú ý có hai pho tượng là tượng Phật Bà Quan Âm nghìn tay nghìn mắt và tượng phật Quan Âm Thị Kính rất đẹp. Giữa tòa tam bảo chùa Thượng có một bát hương đá hình bát giác (8 mặt) theo phương vị hậu thiên bát quái.

* Chùa Hạ.

Chùa nằm ở chân núi Bảng, trong lòng tay ngai. Từ chùa Hạ có 99 bậc đá lên chùa Thượng, tạo nên tổng thể công trình hài hòa với cảnh quan hấp dẫn. Chùa Hạ xây dựng trước chùa Thượng 10 năm. Chùa Hạ được xây dựng vào năm Kỷ Mùi (1859). Chùa thờ Phật và Tam vị Thánh Mẫu (tiền phật, hậu thánh).

Về lễ hội hàng năm được tổ chức vào 2 ngày mùng sáu và mùng bảy tháng giêng. Khi tổ chức lễ hội thì nhà chùa, chính quyền và nhân dân địa phương là 3 chủ thể không thể thiếu và quan trọng ngang nhau. Nhà chùa trọng trách phần lễ. Dân xã trọng trách phần hội (rước kiệu, phục vụ việc lễ, tổ chức các trò chơi…). Chính quyền phân công các công việc cho từng đoàn thể, cá nhân, đảm bảo an ninh trật tự… Hội chùa mở trước hội đình. Phần lễ là nghi thức tưởng nhớ công đức của Phật và Thánh. Được tổ chức bằng các hình thức rước kiệu và tế. Lễ hội có tục thắp nến vào bát thả xuống giếng chùa cầu cho mưa, nắng thuận hòa, cầu được phong đăng hòa cốc, mùa màng bội thu. Hội chùa còn có tục tống thuyền rồng. Thuyền được làm bằng hàng mã, khá lớn. Các nhà sư và hội tế, tay cầm hương, tay cầm cành phan hoặc gậy tích truợng đi quanh thuyền hành lễ.

Hệ thống tượng pháp chùa Hạ khá đa dạng và phong phú. Ngoài tượng Phật và tượng Tam tòa Thánh mẫu, còn nhiều tượng khác. Đặc biệt có tòa Cửu Long. Tòa này tạc 9 con rồng uốn lượn tạo nên vòm trời và ở giữa là hình tượng phật Thích Ca lúc sơ sinh, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất “thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn”. Chín con rồng đang phun nước rất sinh động.

Gần đây, sư Thích Đàm Hân có sửa chữa tu tạo lại một số câu đối và tượng pháp của chùa.

Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Lạc Khoái là nơi làm việc sơ tán của nhà tài chính, tỉnh đội, ủy ban kháng chiến tỉnh Ninh Bình và trường cấp 3 Hoa Lư. Trong kháng chiến chống Mỹ, trường cấp I, cấp II đều học ở chùa.

Năm 1999, chùa Lạc Khoái thôn Lạc Khoái, xã Gia Lạc được Bộ Văn hóa cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa.