720 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, TPHCM
Chùa Dơi (Wathsêrâytecho Mahatup hay còn gọi là chùa Mã Tộc) tọa lạc trên đường Lê Hồng Phong, phường 3, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, cách trung tâm thị xã chừng 2km.
Chùa đã có trên 400 năm tuổi, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1999 và là ngôi chùa thờ duy nhất Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng. Chùa được dựng vào khoảng thế kỷ XVI và đã được trùng tu nhiều lần
Chùa có tên là chùa Dơi vì đã là nơi cư trú bao đời nay của hàng vạn con dơi quạ. Dơi trong chùa thuộc loại dơi quạ, có trọng lượng từ 1-1,5kg, phần lớn có sải cánh 1m->1,2m, những con lớn nhất có sải cánh lên tới 1,5m. Đàn dơi treo mình trên những cành cây trong khuôn viên chùa suốt ngày. Khi hoàng hôn buông xuống thì đàn dơi bay đi kiếm ăn khắp vùng, lúc trời sáng dơi lại trở về nơi đây.
Điều thú vị nữa là dơi cư trú kín cả khuôn viên, nhưng không bao giờ ăn và phá hoại cây trái trong khu vực chùa nơi chúng nương náu. Đây là một ngôi chùa đẹp hài hòa trong khoảng không gian xanh bốn mùa.
Ở đồng bằng sông Cửu Long có nhiều ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, thì chùa Dơi nổi lên như một quần thể kiến trúc đẹp vào bậc nhất. Ngay từ cổng vào cho đến kiến trúc mái chùa đã cho thấy nét tinh xảo đặc trưng.
Mái chùa gồm hai tầng lớp ngói mầu. Phía đầu hồi, bốn đầu mái được chạm trổ tinh xảo hình rắn Naga cong vút. Trên đỉnh chùa có một ngọn tháp nhọn. Hàng cột đỡ bao quanh chùa, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar đôi tay chắp trước ngực như đang cất lời đón chào khách thăm viếng.
Trong chính điện có một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối trên một tòa sen cao khoảng 1,5m và nhìn bộ Kinh Phật viết trên lá cây Thốt nốt. Khắp trên tường chùa là những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời tới khi được khai minh rồi nhập Niết bàn. Rất nhiều nam thanh niên đến tuổi trưởng thành đều vào chùa tu hành học kinh phật một thời gian sau đó mới trở về với đời thường.
Chùa gồm 3 công trình kiến trúc chính là chính điện, Sala và nhà thờ cố lục cả Thạch Chia, người có công trong việc trùng tu lại ngôi chùa. Ngày 15/08/2007, gian chính điện của chùa (rộng khoảng 200m²) đã phát hỏa. Ngọn lửa đã thiêu rụi toàn bộ mái trên của chính điện, cửa gỗ, cột, kèo, hàng chục tượng Phật và nội thất bên trong. Chùa được xây dựng, trùng tu lại gần giống hệt như lúc trước. Tất cả đều theo lối kiến trúc truyền thống Khmer ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Bên ngoài chính điện được trang trí bằng các hoa văn, phù điêu mang đặc trưng của kiến trúc Khmer Nam Bộ. Bên trong, là câu chuyện về sự tích Đức Phật Thích Ca qua 28 bức tranh được vẽ trên tường. Những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời tới khi được khai minh rồi nhập Niết bàn. Bên cạnh đó còn có một pho tượng sinh động miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda. Các bức tranh được sắp xếp lại theo một trật tự logic hơn để người xem dễ hiểu.
Trong khu vườn rộng còn có nhiều bảo tháp chứa di hài các nhà sư quá cố, có lò hỏa táng, nhà ở của các sư và nhà hội Sa La như kiểu nhà rông hay hội trường...
Ngoài không gian để thờ cúng, chùa Dơi còn có khoảng không gian rất rộng cho nhiều loại cây cối khác nhau. Chính nét thanh tịnh và độc đáo của chùa mà mỗi ngày đều có rất nhiều du khách viếng thăm nơi đây. Dưới vườn chùa rợp bóng mát, hàng đàn dơi treo mình ngủ trên cây trong không gian bình yên, trong môi trường trong lành ở chùa Mahatup.
Một số hình ảnh chùa Mahatup (chùa Dơi) ở Sóc Trăng