• Du lịch
  • Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Phòng

Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Phòng

Tiếp Thị Sài Gòn - Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên chữ là Hanh Phủ, tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ, quê ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, nay là làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng từ nhỏ đã có tư chất khác thường. Năm 1536, niên hiệu Đại Chính thứ 6 nhà Mạc, ông thi đình và đỗ Trạng Nguyên, sau được phong Trình Quốc công (còn gọi là Trạng Trình). Khi ông qua đời, vua Mạc phong Tể tướng, kèm tước Trình Tuyền hầu, lại ban cho 3 nghìn quan tiền và cấp 100 mẫu ruộng để thờ cúng.

Khu di tích Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được xây dựng tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Khu di tích gồm các hạng mục công trình, điểm tham quan: Tháp bút Kình Thiên, đền thờ Trạng trình, Nhà trưng bày, phần mộ thân sinh Trạng trình, Am Bạch Vân, tượng Trạng trình, Hồ bán nguyệt, chùa Song Mai, Nhà Tổ của chùa có tượng thờ bà Minh Nguyệt, Bia và Quán Trung Tân. Tất cả rộng 4 ha từ Đền ra đến bờ sông Hàn.

Tháp bút kình thiên tương truyền là do học trò tạo dựng để ca ngợi tài năng của Trạng trình như trụ cột chống trời.

Ngôi Đền lập trên nền nhà cũ của Trạng trình từ 1765. Qua thời gian, chiến tranh, đền bị hủy hoại, đã nhiều lần xây lại, trùng tu, đến nay Đền có 3 gian tiền đường, 2 gian hậu cung.

Phía trước 2 bên Đền có 2 hồ tròn và vuông tượng trưng cho trời và đất. Trong Đền có thờ tượng Trạng trình với y phục triều chính. Bức hoành phi đại tự ở chính giữa có 4 chữ "An Nam lý học" từ câu "An Nam lý học hữu trình tuyền" có nghĩa là am hiểu về lý học ở nước An Nam có Trình tuyền hầu (tước vị của Nguyễn Bỉnh Khiêm), do Chu Sán, sứ giả nhà Thanh (Trung Quốc) đề tặng. Đặc biệt có một số câu đối nói rõ chính kiến của ông về thế sự và hậu thế ca ngợi công đức của ông.

Nhà trưng bày giới thiệu thân thế sự nghiệp, những đóng góp của ông trong văn chương, triết học, giáo huấn và sự tôn vinh của hậu thế. Đáng chú ý có cuốn Bạch vân thi tập.

Tượng đài Trạng trình cao 5,7m, nặng 8, 5 tấn bằng chất liệu đá Gra-nít đúc. Tượng trong tư thế ngồi, tay cầm sách trầm tư suy nghĩ về nhân tình thế thái. Y phục của tượng là y phục nhà nho sống giản dị gần dân. Hồ bán nguyệt rộng khoảng 1000m2. Phần mộ cụ thân sinh Trạng trình không xa Đền.

Ba công trình này mới được tạo dựng trong dịp kỷ niệm 415 năm ngày mất của Trạng trình.

Chùa Song Mai, tương truyền là chùa mà Nguyễn Bỉnh Khiêm thường đến lễ và đã từng trả lời sứ giả Chúa Trịnh "Giữ chùa, thờ Phật thì được ăn oản" (ý nói không nên thoán đoạt ngôi Vua nhà Lê).

Bên cạnh chùa là nhà Tổ có tượng thờ bà Minh Nguyệt, vợ của Trạng trình, người Đồ Sơn, có công cùng danh nhân lập nên chùa này.

Am Bạch Vân: Sau khi làm quan trong triều được 8 năm, ông dâng sớ vạch tội 18 quan tham. Vua Mạc không nghe, ông bèn cáo quan về quê mở trường dạy học, bỏ tiền dựng Am Bạch Vân. Nhiều học giả xưa nay coi Am Bạch Vân là trường đại học tư thục lớn nhất và tiên tiến của đất nước đương thời.

Cuối cùng là Quán Trung Tân. Trung là ở giữa, Tân là bến. Bến Giữa ý muốn nói không tả, không hữu, hành sự phải cho đúng sẽ thành công. Bia đá cao 1,5m, nặng 4 tấn được trùng khắc hoàn thành ngày 21 - 12 - 2000 do Tổng cục Du lịch Việt Nam cung tiến. Nội dung bia giải thích chí trung là chí thiện, toát lên quan niệm sống chủ đạo của Trạng trình là "Thiện".

Đền Trạng Trình ngày nay không chỉ là khu di tích tưởng nhớ tài đức của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà còn là điểm thăm quan du khảo đồng quê hấp dẫn của thành phố Hải Phòng.