• Du lịch
  • Danh lam thắng cảnh Làng Phước Tích ở Thừa Thiên Huế

Danh lam thắng cảnh Làng Phước Tích ở Thừa Thiên Huế

Tiếp Thị Sài Gòn - Phước Tích là một ngôi làng cổ ra đời từ thế kỷ 15 vào những năm đầu trong đợt di dân lần thứ hai từ miền Bắc vào vùng Thuận - Quảng. Làng được bao bọc bởi dòng sông Ô Lâu hiền hòa và lắng đọng phù sa, bồi đắp nên đất làng Phước Tích.

Từ thượng nguồn về phía Tam Giang, dòng sông Ô Lâu dài khoảng 30 km, nhưng lại có nhiều đoạn uốn khúc mềm mại, bao bọc vùng Cồn Dương thuộc làng Phước Tích. Ðịa điểm hình thành làng cổ Phước Tích mang đậm nét quan niệm phong thủy phương Ðông trong các di sản kiến trúc Việt Nam. Nét đặc trưng chủ yếu và cũng là nét đặc sắc nhất của làng là quy hoạch không gian kiến trúc, được tổ hợp bằng các nhà vườn truyền thống, bố cục theo ba xóm gắn bó với nhau. Hệ thống đường sá, cây xanh nối liền với nhau một cách tự nhiên và sinh động của một vùng sinh thái độc đáo, kết hợp hài hòa giữa trời, đất và con người.

Giữa các khuôn viên của ngôi nhà không ngăn cách bằng hàng rào kín (bằng gạch xây hoặc gạch mộc hay tường trình) mà bằng các hàng rào hở bằng cây chè tàu, uốn lượn theo trục đường làng, ngõ xóm và lối đi vào từng nhà. Tất cả tạo nên sự hấp dẫn kỳ lạ đối với môi trường sinh sống, làm cho con người gắn bó với cảnh quan thiên nhiên. Ðiều đó vừa chứa đựng triết lý nhân bản sâu sắc vừa mang tính sáng tạo độc đáo của con người, nhằm tổ chức một không gian sống lý tưởng cho cộng đồng cư dân từ thời xa xưa còn tồn tại đến ngày nay.

Cho đến nay làng Phước Tích còn lưu trữ như một bảo tàng về di sản văn hóa vật thể cổ tích của một làng quê, bao gồm 26 ngôi nhà rường và 17 nhà thờ họ. Các ngôi nhà cổ ở Phước Tích có hai loại: Nhà ba gian hai chái và một gian hai chái với kiến trúc nhà ở truyền thống có niên đại trên 150 năm, phản ánh sự giao thoa giữa kiến trúc dân gian và kiến trúc cung đình Huế. Nội thất mỗi ngôi nhà rường còn nguyên bàn ghế, tràng kỷ, bộ ngựa (phản), bàn thờ, hoành phi, câu đối... trở thành bảo tàng của từng gia đình, dòng họ.

Mặt khác, do ở cạnh làng mộc cổ truyền Mỹ Xuyên, nên Phước Tích được thừa hưởng nghệ thuật độc đáo của điêu khắc kiến trúc, chạm trổ trên các bộ khung gỗ của ngôi nhà, càng làm đậm nét tính chất dân gian mang đầy đủ bản sắc. Hiện nay trong 17 nhà thờ họ của làng, có 10 nhà thờ là nhà rường cổ ba gian hai chái. Mỗi nhà thờ họ đều lưu giữ gia phả, hương án của dòng họ mình cùng với các hoành phi câu đối.

Ngoài ra còn có hàng chục đình, chùa, miếu, đền thờ, như đình làng Trung, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Ðôi, miếu Quảng Tế (thờ Yoni và Linga của người Chăm) và các miếu Âm hồn, Con Cọp, đền Văn Thánh... Tất cả mang đậm nét tâm linh của cư dân làng cổ tiêu biểu của Việt Nam.

Phước Tích hiện còn giữ lại khá nhiều dấu tích là vật chứng, chứng minh cho chặng đường lịch sử thăng trầm từ khi thành lập cho đến hôm nay. Ðến Phước Tích, du khách dễ dàng nhận thấy một không gian kiến trúc êm ả, ấm cúng toát ra từ những ngôi nhà vườn hợp thành môi trường sống độc đáo từ bao đời nay, gắn bó với bao thế hệ con người trong một làng quê bé nhỏ xinh xắn, với cây đa, bến nước, sân đình, những hàng rào chè tàu, vườn cây mít, cây vả, hồng xiêm và cả một số loài hoa, cây cảnh nên thơ. Trong làng vẫn còn nhiều cây cổ thụ, đặc biệt cây thị hơn 500 năm tuổi. Làng cổ Phước Tích cho chúng ta bức tranh hoàn chỉnh về làng quê truyền thống đậm bản sắc Việt Nam còn lưu giữ được đến ngày nay.

Gốm Phước Tích

Làng Phước Tích trước đây chia làm ba xóm gọi là Tam Hòa: Thượng Hòa (xóm ngoài), Trung Hòa (xóm giữa) và Hạ Hòa (xóm dưới). Xóm Trung Hòa cao hơn nên được đặt cơ sở làm gốm. Trong hệ thống các làng thủ công nghiệp vùng Thuận Hóa, Phước Tích nổi tiếng với làng nghề gốm cổ truyền.

Trải qua nhiều thời kỳ, sản phẩm gốm Phước Tích đã có mặt trong cuộc sống của người dân quê hương cũng như ở khắp các vùng của miền đất Thuận Hóa. Gốm Phước Tích còn trở thành một sản phẩm đặc biệt được sử dụng trong cung đình nhà Nguyễn, om đất dùng để nấu cơm cho vua ăn, vì thế đã có hai câu thơ:

Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế

Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân

Làng nghề độc đáo này vừa góp phần làm giàu cho cuộc sống và quê hương, vừa góp phần tạo nên một nét riêng của làng cổ Phước Tích. Ngày nay, người dân kế thừa nghệ thuật làm gốm cổ truyền để trang trí và xuất khẩu, góp phần phát triển du lịch và làm giàu cho địa phương bằng cảnh quan, nghề nghiệp truyền thống của mình.