Bệnh trầm cảm liên tục tăng lên trong những năm gần đây theo số liệu thống kê của các Cơ quan Y tế. Chính những áp lực từ cuộc sống hiện đại gây ra, con người đang dần dễ mắc phải căn bệnh tâm lý này hơn. Chính sự thờ ơ và thiếu hiểu biết về bệnh, từ đó không kịp thời phát triển ngay từ đầu để có thể điều trị dứt điểm, khiến cho bệnh phát nặng và gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân người bệnh và xã hội.
Ở Việt Nam, trầm cảm là một phạm trù gì đó còn khá xa lạ và chưa được biết tới một cách rộng rãi. Nhiều bạn trẻ khi gặp phải các vấn đề về tâm lý, có sự thay đổi về hành động trong cuộc sống hằng ngày, nhưng phần lớn đều nghĩ rằng nó đến từ các sự kiện buồn thường ngày gây ra. Chính sự hiểu lầm tai hại này nên khi phát hiện, trầm cảm đã khá nặng và người bệnh đã có những hành động dại dột, làm cho quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn.
Ngày Sức khỏe Thế giới 7-4 năm nay có chủ đề: “Trầm cảm: hãy nói về điều đó” và được thực hiện trong cả năm. Mục tiêu chung của chiến dịch nhằm có thêm nhiều người bị trầm cảm trên khắp thế giới sẽ nhận được sự giúp đỡ.
Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh. Mỗi năm căn bệnh này cướp đi 850.000 mạng người trên thế giới.
Trên thế giới đang có trên 350 triệu người mắc chứng trầm cảm, một loại bệnh tâm lý làm suy giảm khả năng nhận biết và vận động của con người, trong đó không ít trường hợp người bệnh đã tự tìm đến cái chết. Tại Việt Nam, tỷ lệ trầm cảm trong cộng đồng là 24,3% ở độ tuổi 25 đến 55 và tăng lên 47% ở người trên 55 tuổi. Phụ nữ bị trầm cảm cao gấp 2 lần so với nam giới. Nguyên nhân là do có sự thay đổi về sinh hóa ở trong não, suy giảm hoạt động và số lượng các chất dopamin, serotonin. Ở nam giới, số người bệnh chưa được thống kê đầy đủ vì cánh mày râu thường ít chia sẻ những khó khăn của mình, biết kìm nén cảm xúc, âm thầm chịu đựng các áp lực trong cuộc sống.
Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Khoa, Trưởng Khoa Thần kinh - Tâm thần Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trầm cảm là một bệnh tâm thần thường gặp, biểu hiện của người bệnh là nỗi buồn dai dẳng, ít hoặc không quan tâm đến các hoạt động thường ngày. Nặng hơn, người bệnh còn không có khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày trong thời gian dài. Ngoài ra, người bị trầm cảm thường có một số triệu chứng như: Mất năng lượng, thay đổi khẩu vị, tăng hoặc giảm giấc ngủ, lo âu, giảm tập trung, do dự, kích động, cảm giác vô dụng, tội lỗi, hoặc tuyệt vọng, tự hủy hoại hoặc ý nghĩ tự tử.
Hiện nay, có 2 cách điều trị trầm cảm là: Điều trị bằng thuốc và bằng tâm lý trị liệu. Điều trị bằng thuốc thường hiệu quả. Có khoảng 65% bệnh nhân điều trị thành công bằng thuốc và khá dễ dàng cho y bác sỹ. Phương pháp điều trị tâm lý trị liệu là bệnh nhân nói chuyện với y tá, nhà tâm lý, cán bộ công tác xã hội, bác sỹ… để học những cách mới, hiệu quả hơn khi suy nghĩ và các hành động mới.
Để hạn chế đến mức thấp nhất chứng bệnh trầm cảm ở mỗi người, các bác sỹ khuyến cáo, mọi người cần chủ động chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt, trước khi tìm đến sự trợ giúp của các dịch vụ tư vấn tâm lý, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần. Đó là ăn uống đủ chất, sinh hoạt điều độ, tăng cường luyện tập thể dục, cân bằng giữa công việc và các hoạt động vui chơi giải trí có lợi cho sức khỏe, không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy…