• Sức khỏe
  • Nghiện nhổ tóc là dấu hiệu của bệnh rối loạn tâm thần

Nghiện nhổ tóc là dấu hiệu của bệnh rối loạn tâm thần

Nghiện nhổ tóc, thích bứt tóc và thường xuyên nhổ tóc trong một thời gian dài là một dấu hiệu thường thấy nhất ở chứng bệnh rối loạn tâm thần.

Nghiện nhổ tóc là dấu hiệu của bệnh rối loạn tâm thần

Rối loạn tâm thần hay gọi một cách dễ hiểu hơn là bệnh tâm thần là một loại bệnh gây ra những biến đổi bất thường trong lời nói, nhận thức, hành động hay cả cảm xúc từ bên trong. Rối loạn tâm thần thường gây ra chứng ảo giác cho người bị bệnh, họ nghe và thấy những hành động, lời nói không có thật, họ cũng không thể nhận thức được thế giới thật và thế giới ảo.

Không có nguyên nhân duy nhất gây nên tình trạng rối loạn tâm thần. Chỉ có một số yếu tố góp phần gây nguy cơ mắc bệnh tâm thần, ví dụ như: gen di truyền và lịch sử gia đình có người từng bị, căng thẳng hoặc bị chấn động mạnh về tâm lý, bị chứng thương sọ não, rượu các chất kích thích..

Rối loạn tâm thần có nhiều dấu hiệu bệnh khác nhau, phổ biến nhất là có những lời nói và hành động không đúng với tình huống đang diễn ra, một số khác thì tự kỉ không muốn tiếp xúc với những người xung quanh.

Tật nhổ tóc dấu hiệu của rối loạn tâm thần

Tật nhổ tóc là một sự rối loạn kiểm soát mạn tính, thôi thúc người bệnh nhổ lông, tóc lặp đi lặp lại, tạo thành một chứng mất tóc.

Một số khác cho rằng đó là một rối loạn trong phổ ám ảnh cưỡng bức. Người bệnh có cảm giác căng thẳng gia tăng ngay trước khi nhổ hoặc trong khi cố gắng cưỡng lại hành vi đó. Ngoài ra còn có cảm giác thú vị, hài lòng hoặc khuây khỏa khi nhổ được tóc.

Tật nhổ tóc này thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, tuổi thanh thiếu niên và ở nữ giới nhiều hơn nam. Nhiều trẻ em mắc chứng này nhưng lành tính và tự khỏi. Tuổi khởi phát trung bình từ 9-13. Tần suất gia tăng ở những người lớn hay lo âu và dễ xúc động.

Biểu hiện lâm sàng

Người bệnh xoắn tóc vào ngón tay rồi nhổ hoặc chà xát cho đến khi nhổ được hay làm đứt sợi tóc đó. Vị trí thích hợp để nhổ là chỗ dễ với tay tới như: vùng trán - thái dương; nhưng bất kỳ vùng nào ở đầu hoặc lông mi, mày đều bị tác động.

Những đám tóc bị nhổ có bờ không đều và mật độ tóc giảm đáng kể nhưng không bao giờ rụng nhẵn thín như trong bệnh rụng tóc vùng. Nhiều sợi tóc bị đứt với độ dài ngắn khác nhau phân bố ngẫu nhiên ở vùng đầu bị ảnh hưởng. Những sợi tóc có độ dài từ 0,5-1cm thường được người bệnh dùng ngón út cuộn lại và nhổ ra.

Tật nhổ tóc thường xảy ra trong giờ giải lao ở lớp học, lúc xem truyền hình hoặc lúc sắp chìm vào giấc ngủ. Bố mẹ ít khi để ý đến hành vi của trẻ.

Tật này ở nhiều trẻ bị kích hoạt trở lại khi nhập viện hoặc có can thiệp y tế, lúc gặp khó khăn, căng thẳng. Nhiều trường hợp cũng xảy ra do có sự bất hòa nghiêm trọng giữa anh chị em ruột trong nhà, hay mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái bị rạn nứt và có biểu hiện trì trệ trí tuệ. Thường có song hành bệnh tật về rối loạn tâm tính và lo âu trên người bệnh trầm cảm tiên phát làm gia tăng tỷ lệ mắc phải của chứng này. Tật nhổ tóc có thể xuất hiện ở tuổi thanh niên và tuổi trưởng thành. Một số nhà tâm thần phân loại nó như một rối loạn ám ảnh cưỡng bức.

Bệnh tiến triển mạn tính, có nhiều đợt tăng và giảm. Người bệnh trung bình mỗi ngày tốn khoảng 1-3 giờ để nhổ tóc, dẫn đến tình trạng mất nhiều tóc. Bệnh nhân thường có cảm giác đau khổ và hổ thẹn, ảnh hưởng đến các mối quan hệ tình cảm và công việc. Người nhổ tóc luôn lo lắng bị phát hiện và ngại đi khám bệnh vì sợ bị chỉ trích về hành vi của mình.

Chẩn đoán

Trước hết nên hỏi người bệnh có nhổ tóc không? Cha, mẹ hoặc thầy cô của họ có thể biết về thói quen đó.

Cần phải loại trừ nấm da đầu bằng cách soi tươi hay soi dưới ánh sáng đèn Wood. Rụng tóc vùng thì tóc mất hoàn toàn tại vị trí đó. Trong trường hợp nghi ngờ do tật nhổ tóc, có thể nhổ sợi tóc để xác định chân tóc đó không ở giai đoạn Telogen, gần 100% tóc ở pha anagen (pha phát triển).

Những tiêu chuẩn để chẩn đoán tật nhổ tóc gồm:

1. Gia tăng mức độ căng thẳng ngay trước lúc nhổ tóc hoặc khi nỗ lực cưỡng lại việc nhổ tóc.

2. Có cảm giác thoái mái, dễ chịu hoặc thú vị trong khi nhổ được tóc.

3. Việc nhổ tóc không được cải thiện giải thích rằng người bệnh có vấn đề về bệnh lý nội khoa hay rối loạn tâm thần nào khác.

4. Những tổn thương, mất mát trong các mối quan hệ cá nhân hay công việc thường là hậu quả của việc nhổ tóc.

Điều trị

Tật nhổ tóc tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng việc điều trị phải trải qua một quá trình, thầy thuốc cần có một lộ trình điều trị nhiều bước gồm:

1. Cần thiết lập mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh nhằm giúp họ hiểu rõ về căn bệnh để tuân thủ điều trị.

2. Đánh giá tất cả các vị trí nhổ.

3. Đánh giá động lực điều trị.

4. Tìm hiểu về chứng nuốt tóc.

5. Cân nhắc về việc hội chẩn với chuyên khoa tâm thần.

6. Đánh giá và điều trị những bệnh lý đi kèm: chứng ngắt da, rối loạn tâm trạng, rối loạn lo âu...).

7. Hướng dẫn cho người hỗ trợ điều trị để tư vấn và giúp đỡ người bệnh.

8. Đánh giá liệu pháp đảo ngược thói quen.

9. Xem xét dược liệu pháp: Clomipramine (theo dõi tác dụng phụ).

10. Xem xét việc sử dụng thôi miên liệu pháp.

11. Chiến lược ngăn ngừa tái phát.

Cha mẹ nên tìm cách đánh lạc hướng sự tập trung của trẻ khi nhổ tóc, chẳng hạn như cho trẻ chơi trò chơi, kể chuyện vui hay đưa đi chơi; đồng thời phải chấp nhận cũng như hỗ trợ hơn là có thái độ phê phán hoặc trừng phạt. Có nhiều trường hợp khỏi tự nhiên.

Những trường hợp tổn thương lan rộng hoặc hành vi đó kéo dài thì nên hội chẩn với thầy thuốc tâm thần.