• Du lịch
  • Di tích Đền Gắm ở Hải Phòng

Di tích Đền Gắm ở Hải Phòng

Tiếp Thị Sài Gòn - Di tích lịch sử văn hoá Đền Gắm, tại làng Cẩm Khê - Xã Toàn Thắng - Huyện Tiên Lãng - Thành phố Hải Phòng. Tôn thờ một vị danh Tướng Ngô Lý Tín, phù nhà Lý đời Vua Lý Cao Tông (thế kỷ thứ XII).

Công lao, tài đức của Ngài đã được ghi trong "Đại Việt Sử ký toàn thư" như sau:

Ngô Lý Tín là người con cầu tự của hai cụ : Ngô Huy Hiến và Đào Thị Phức. Quê ở Vĩnh Đồng Trang - Khoái Châu phủ - Sơn Nam Trấn (tỉnh Hưng Yên ngày nay).

Tín Công sinh vào giờ Tuất ngày 20 tháng giêng năm Bính Ngọ (1126). Tín Công ra đời mặt mũi phương phi, tóc đỏ, mình dài, tướng mạo khác thường.

Năm 12 tuổi Tướng Công mới đi học và học rất thông minh, trí tuệ tuyệt vời và may mắn được thọ giáo Tiên Sinh kinh chủ nổi tiếng khắp vùng. Nhờ có tư chất thông minh nên :

" Thầy dạy không biết chán, trò học không biết mỏi ".

Năm 18 tuổi không may gia đình gặp tai biến. Cha mẹ lần lượt qua đời. Lúc bấy giờ trời làm hạn hán. Lúa cháy đồng. Quan, quân nhiễu nhương, trộm cắp nổi lên,đời sống của dân quê vô cùng cực khổ.

Ngô Lý Tín rời quê hương tìm nơi lập nghiệp. Ông đến Trang Cẩm Khê - Bình Hà huyện - Hải Dương Trấn (nay là thôn Cẩm Khê - xã Toàn Thắng - Huyện Tiên Lãng - Thành phố Hải Phòng) cắm đất làm nhà và mở trường lớp dạy học. Tự sôi kinh nấu sử, điêu luyện binh thư, võ nghệ cao cường, nổi danh khắp vùng không ai sánh kịp.

Cuối triều Lý, năm Đinh Sửu (1157). Trong nước rối loạn có giặc ngoại bang sang xâm chiếm bờ cõi nước ta, đốt phá làng mạc, tấn công kinh thành, đất nước lâm nguy.

Trước hoàn cảnh ấy : Ngô Lý Tín chiêu tập binh sĩ. Trong đó riêng Trang Cẩm Khê có 30 tuất kiệt làm quân gia, thủ túc kéo thẳng lên Bàng Châu xin yết kiến, lập công diệt giặc cứu nước. Vua mừng rỡ phán rằng :

" Trời đã giúp Trẫm sinh ra Tướng giỏi ".

Quân đội của Tín Công đánh đâu thắng đấy, quét sạch giặc ngoại bang ra khỏi đất nước. Sau đó được

Nhà Vua phong Tín Công làm Thượng Tướng và giao nhiều chức trách quan trọng khác.

Năm Nhâm dần (1182). Tín Công đem quân thuỷ bộ đi dẹp phiến loạn và tiễu trừ hải tặc.

Mùa xuân Quý Mão (1183) làm Đốc Tướng đi phạt ngoại xâm. Đắc thắng trở về được thăng làm Thái Phó. Năm Mậu Thân (1188) Thái Sư : Đỗ Thuận An mất - Thái Phó Ngô Lý Tín được cử làm phụ chính.

Năm Canh Tuất (1190) quốc gia vô sự. Tín Công được trở về thăm lại Cẩm Khê Trang, nơi mà Tín Công bước lên vũ đài chính trị bằng thanh gươm diệt giặc cứu nước.

Nhưng không may về đến khúc sông Quán Trang - Văn úc gặp cơn phong ba bão táp. Thuyền bè binh lính bị chìm đắm và chết đúng ngày mồng 9 tháng 10 năm Canh Tuất (1190).

Nhân dân Trang Cẩm Khê vô cùng thương tiếc và đã đưa thi hài của Tín Công an táng tại hậu trường, nơi mà Tín Công ở và dạy học (nay là hậu cung Đền Gắm).

Thương tiếc một vị Tướng công thần trung nghĩa. Vua truyền lệnh : Xuất 300 quan tiền, miễn sưu thuế, phu dịch cho Bản Trang để lập Đền thờ tại nơi an táng và viết sắc phong :

Tôn thần Ngô Lý Tín : Tiền Thượng Thượng Tướng quân, Đốc Tướng phạt ngoại bang, Hoành Thăng Thái Phó phụ chính, Hậu phụng thống lĩnh hải đạo luỹ triều, Hoành hưu linh ứng, Đô hộ thống lĩnh, bản cảnh Thành Hoàng, Thượng Thượng Đẳng phúc thần. Được ghi vào sử sách quốc đảo dân cầu và y chuẩn Bình Hà huyện, Cẩm Khê Trang là nơi phụng thờ mãi mãi".

Hàng năm nhà Vua cử quan lại, sai xứ về tổ chức tế lễ tại Đền Gắm.

Địa phương Cẩm Khê Trang lấy ngày 18, 19, 20 tháng giêng hàng năm tổ chức lễ hội truyền thống của quê hương.

Ngày 8/8/1992 Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã công nhận Đền Gắm là - Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.