• Kinh tế
  • Cá tầm Trung Quốc tràn lan trong chợ

Cá tầm Trung Quốc tràn lan trong chợ

Một nửa cá tầm bày bán tại TP HCM là hàng Trung Quốc. Nhiều tiểu thương Hà Nội khẳng định lấy nguồn từ Sapa, Tam Đảo nhưng giá bán lại rẻ hơn mua tại chính ao nuôi của nông dân.

Theo khảo sát của VnExpress, sau thông tin cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, cá tầm Trung Quốc hiện vẫn được bày bán tại TP HCM dù số lượng giảm hơn trước. Chủ phân phối thủy hải sản trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3) cho biết, cá tầm Trung Quốc có mặt ở Việt Nam từ năm 2009, đến tháng 5 vừa qua, cơ quan chức năng vào cuộc mới giảm dần. Còn trước đó, 95% dân Sài Gòn ăn cá tầm Trung Quốc do giá rẻ hơn hàng trong nước.

Ông cũng cho hay, dù giảm so với trước đây nhưng hiện trên thị trường TP HCM 50% là cá tầm Trung Quốc, 50% từ Đà Lạt. Tại cửa hàng của ông, trước đây loại nhập bán rất chạy nhưng từ tháng 5 bán chậm hơn do nhiều người tẩy chay.

Bên cạnh lý do giá rẻ, dễ bán, cá tầm nhập có sức sống dẻo dai hơn mặt hàng nội nên nhiều tiểu thương rất thích. Chẳng hạn, khi đưa hàng đi bán ở các tỉnh xa, trong khoảng thời gian 6-8 tiếng, cá nội dễ bị ngợp và chết. Trong khi đó, hàng Trung Quốc vẫn sống khỏe.

Tại Hà Nội, mặt hàng cá tầm vẫn được bày bán với mức giá chênh lệch nhau tới 100.000 đồng mỗi kg. Ảnh: Anh Quân

Cũng từng bán cá tầm Trung Quốc, chủ cửa hàng phân phối trên đường D1, đại lý cấp một của Tập đoàn Cá tầm Việt Nam chia sẻ, sau thông tin cá tầm Trung Quốc tràn ngập khắp nơi, người dân không còn chuộng loại này nữa nên sức mua đã giảm mạnh. Trước đây một ngày, cửa hàng của anh có thể phân phối bản sỉ và lẻ tới hơn chục tấn nhưng mức tiêu thụ hiện đã giảm 40%. Do đó, cách đây khoảng 3 tháng, anh đã ngừng cung cấp loại nhập và chỉ bán hàng trong nước.

Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên thương mại thủy hại sản Hạ Long (đường Nguyễn Thị Thập, quận 7), ông Trần Văn Tường cũng cho hay thời gian trước, 80% cá tầm bán tại TP HCM là hàng ở miền Bắc chuyển vào. Tuy nhiên, hiện nay khâu kiểm tra khắt khe và chi phí đi lại bằng đường hàng không tốn kém nên lượng cá chuyển vào đã vơi dần. Hiện anh chuyển sang lấy hàng Đà Lạt, bán khoảng 245.000 đồng một kg.

Tại Hà Nội, một số chợ như Thành Công, Linh Lang… cá tầm được bày bán dưới mác vận chuyển về từ Sapa, Tam Đảo. Trước quầy hàng của chị Thủy, tiểu thương chợ Thành Công có treo biển “có cá tầm ngon”. Chị cho biết, mặt hàng này giá đắt nên không nhập nhiều, hàng bán hết từ rất sớm. “Nếu khách muốn lấy nhiều, chỉ cần chờ một lát tôi bảo người chở đến, mấy chục cân cũng có”, chị Thủy nói.

Bà chủ này báo giá 170.000 đồng một kg nếu lấy số lượng vài chục cân, còn mua lẻ, giá là 190.000 đồng. Chị Thủy cho biết, đây là hàng Sapa, chất lượng đảm bảo. "Nếu đợt nào cá Trung Quốc nhập về nhiều thì giá rẻ lắm, chứ không cao như thế đâu", tiểu thương này nói.

Trong khi đó, đại diện nhà hàng Thác Bạc (Nguyễn Thị Định, Cầu Giấy) cho biết, mặt hàng cá tầm sống có nguồn gốc từ Sapa hoặc Tam Đảo được đơn vị này bán ra không dưới 290.000 đồng một kg. Hơn nữa, không phải lúc nào cũng có sẵn. ​Chị Tâm, chủ nhà hàng chuyên hải sản ở đường Ven Hồ (Trúc Bạch) cũng cho hay phải nhập cá tầm tươi sống một cơ sở nuôi với giá gần 300.000 đồng một kg.

Tại một cửa hàng chuyên cá tầm ở dốc Bát Cổ, hiện khách có thể lựa chọn giữa hai loại cá Trung Quốc hoặc Sapa. Cá Trung Quốc có giá 120.000 – 140.000 đồng mỗi kg, cá Sapa khoảng 250.000 đồng. Chủ cửa hàng cho biết, từ khi có cảnh báo về tình trạng cá tầm nhập lậu, nhiều khách e ngại nên hàng nội đắt khách hơn.

Trao đổi với báo chí gần đây, ông Vũ Tuấn Cường - Vụ trưởng Vụ Thanh tra pháp chế (Tổng cục Thủy sản) cho biết cơ quan này đã phối hợp cùng ngành công an để điều tra, làm rõ vụ việc liên quan đến mặt hàng cá tầm nhâp lậu. Tuy nhiên, vị này cũng nói "đoàn công tác không phải là lực lượng công an hay đội chống buôn lậu” nên việc điều tra, tìm hiểu rất khó khăn.

Gần đây, Hiệp hội cá nước lạnh cho biết, tình hình nhập lậu mặt hàng cá tầm Trung Quốc diễn biến dưới nhiều hình thức, trong đó có việc vận chuyển qua đường hàng không. Trung bình mỗi ngày có khoảng 2-3 tấn cá tầm lậu được chuyển từ sân bay Nội Bài vào Tân Sơn Nhất. Để kiểm soát chất lượng cá tầm vận chuyển qua đường hàng không, gần đây, một lãnh đạo Bộ Nông nghiệp cũng chỉ đạo Cục Thú y cần triển khai ngay việc kiểm tra, quản lý sản phẩm này tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Chủ vựa cá trên đường D1, quận Bình Thạnh (TP HCM) chia sẻ cách nhận biết cá tầm trong nước và Trung Quốc.

Cá nuôi trong nước có 2 loại. Loại thứ nhất giống nhập từ Nga có thân hình xù xì, vảy lớn, màu bạc vàng hoặc đen trắng rõ ràng chứ không đen bóng, mỏ ngắn. Loại thứ 2 là cá tầm Siberi có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó được nhập về nuôi ở Việt Nam, cá ít vảy, da đen trơn mỏ dài vừa phải.

Còn cá tầm nhập 100% từ Trung Quốc mỏ dài gấp 2 lần cá Việt và da đen bóng. Khi thưởng thức, cá tầm Trung Quốc thường không ngọt bằng hàng Đà Lạt.