• Du lịch
  • Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo ở Gia Lai

Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo ở Gia Lai

Tiếp Thị Sài Gòn - Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo là một quần thể gồm nhiều cụm di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Tây Sơn.

Tại nơi đây với sức mạnh quật cường nghĩa quân Tây Sơn đã vùng lên và nhanh chóng lan tỏa thành một cuộc chiến tranh nông dân có quy mô toàn quốc vào thế kỷ XVIII. Song đến nay đại bộ phận nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ còn rất ít người biết đến vùng Tây Sơn Thượng Đạo - nơi nghĩa quân chọn làm căn cứ đầu tiên tiến hành phát động cuộc khởi nghĩa. Hơn 200 năm đã trôi qua, chiến công của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ là một trong những mốc son chói lọi, hiển hách trong lịch sử truyền thống đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đồng thời còn thể hiện mối quan hệ đoàn kết gắn bó của nhân dân miền xuôi với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Ngày 14 tháng 6 năm 1991, quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Là một bộ phận quan trọng trong di sản văn hóa dân tộc, di tích chưa hẳn là quá khứ mà là những gì còn lại qua thời gian. Vì vậy mà di tích lịch sử văn hóa là nguồn sử liệu trực tiếp, cho ta những thông tin quan trọng để khôi phục các trang sử hùng tráng của dân tộc màTây Sơn Thượng Đạo là một minh chứng.

Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo phần lớn nằm trên diện tích ba huyện,thị xã: An Khê, Kbang, Kông Chro của tỉnh Gia Lai. Đây là địa điểm chiến lược quan trọng trong việc bố trí doanh trại và luyện tập quân sự, là căn cứ địa của nghĩa quân Tây Sơn. Là một vùng đất tương đối bằng phẳng, bốn phía đều có núi và rừng già tạo nên bức tường thành thiên nhiên bền vững, án ngữ phía Bắc là dãy Trường Sơn hùng vĩ, nhìn từ đỉnh đèo An Khê phía Đông là nước non Bình Định, phía Tây là một dãi đất rộng khá bằng phẳng là cao nguyên An Khê. Nơi đây có một vị trí giao thông thuận tiện từ đồng bằng lên Tây Nguyên và ngược lại, là cầu nối giao lưu quan trọng giữa miền xuôi và miền thượng. Đồng thời vùng đất này là tiềm năng cho sự phát triển du lịch.

Khu di tích lịch sử “Tây Sơn - Thượng Đạo”, liên quan đến cuộc khởi nghĩa của 3 anh em nhà Tây Sơn gần như không được đề cập nhiều đến trong sách sử. Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” chỉ ghi một dòng ngắn ngủi: “Năm 1771, Nguyễn Nhạc thiết lập đồn trại ở đất Tây Sơn - Thượng Đạo”. Lý giải cho việc ít ỏi thông tin này, theo những lời truyền miệng của người dân ở đây, sau khi lên ngôi vua. Nguyễn Ánh đã trả thù nhà Tây Sơn một cách hèn hạ và tàn khốc. Do đó, người dân địa phương muốn thờ cũng phải giấu giếm và tuyệt nhiên không bao giờ đề cập đến trong các sách vở. Vì vậy, những gì liên quan đến ba anh em nhà Tây Sơn hiện nay còn lại chỉ qua lời kể được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Năm 1773, khi ba anh em nhà Tây Sơn xuất quân tiến xuống đồng bằng. Khi đến khúc ngoẹo Cây Khế tại đèo Mang Yang (là khúc cua tay áo tại đèo An Khê hiện nay), bất ngờ có một con rắn đen như gỗ mun, to như cột đình ra nằm chặn giữa đường. Trong hàng ngũ tướng lĩnh và nghĩa quân có người cho rằng đây là điềm gở, đề nghị thu quân. Nhưng Nguyễn Huệ đã tiến lên, rút kiếm chém đứt đôi con rắn, lấy máu tế cờ và hòa rượu cho binh sĩ uống. Sau đó Nguyễn Huệ cho người trèo lên cây Ké phất cờ và cây Cầy gần đó nổi trống làm hiệu tiến binh. Từ lần xuất quân đó, Nguyễn Nhạc đã lấy được thành Quy Nhơn.

Câu chuyện truyền thuyết về Nguyễn Huệ như người anh hùng đất Bái trảm xà khởi nghĩa, theo lời kể của cụ Đỗ Tùng ở tại thôn An Thượng, xã Song An (đã mất). Sau khi thắng trận, Nguyễn Nhạc cho lập miếu thờ rắn thần tại ngoẹo Cây Khế, nhưng do thời gian và biến loạn nên người dân đưa miếu Xà về thôn An Thượng. Riêng cây cầy và cây ké, đã qua hơn 200 năm nên không còn dấu tích.

Để có được đội binh hùng tướng mạnh, ba anh em nhà Tây Sơn thời kỳ đầu đã có những cách thuyết phục người dân Ba Na khá ngoạn mục. Chuyện rằng lúc mới lên đây, người Ba Na thấy ba anh em Nguyễn Huệ còn trẻ tuổi nên không phục. Trước mặt dân làng, Nguyễn Huệ thách ai nhấc nổi tảng đá trên trăm cân thì làm vua. Không ai nhấc nổi, chỉ có Nguyễn Huệ nhấc lên nhẹ nhàng. Nguyễn Huệ đã cho lấy mật, mỡ viết vào lá cây rừng chữ “Nhạc làm vua, Huệ làm tướng, Lữ làm quan”. Loài kiến ăn theo đó thủng lá thành chữ. Sau đó Nguyễn Huệ sai người cứ nửa đêm lên ngọn Mò O đốt lửa. Người Ba Na lên xem, tin đó là lời Giàng phán, từ đó nghe theo.

Từ thị trấn An Khê đi về phía nam thị trấn chừng 8 cây số, người ta thấy một hòn đá hình chiếc ngai nằm bên bờ con suối Chơ Ngao tại làng Đê Chơ Gang thuộc xã Phú An. Người dân Ba Na đến giờ vẫn kính cẩn gọi đó là “to mo bok Nhạc” tức “Hòn đá ông Nhạc”. Lời kể của cụ Huỳnh Ngọc Chương năm nay trên 90 tuổi, có 6 đời lập nghiệp tại An Khê, kể rằng ngày ấy có một người đàn ông người Kinh thường đến vùng này mua trầu, người ta gọi ông là ông Hai Trầu. Ông Hai Trầu vẫn thường ngồi nghỉ chân tại hòn đá này, và sau này là nơi gặp mặt hội họp tướng lĩnh. Từ đời này qua đời khác, hòn đá này được coi là vật thiêng của làng. Ông Hai Trầu chính là Nguyễn Nhạc, người khởi nghiệp của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

Tuy nhiên, nếu không có một người con gái Ba Na thông minh và xinh đẹp giúp sức thì Nguyễn Nhạc cũng khó lòng chiếm được cảm tình của người dân Ba Na nơi đây. Nàng tên là Ja Dok (đọc là Gia – Tót), con của vị tù trưởng Ba Na hùng mạnh và giàu có. Những ngày Nguyễn Nhạc lên đây buôn bán trầu, bà có cảm nhận người này không chỉ đi buôn mà đang ấp ủ một việc lớn. Cảm tấm lòng người anh hùng, bà Ja Dok nhận làm vợ của ông. Ngày nay dân làng Si Tơ, xã Tơ Tung, huyện K&;Bang không những tự hào là quê hương của anh hùng Núp, mà còn tự hào là nơi đã cung cấp cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn một nữ nhân anh kiệt. Dưới sự giúp sức của bà, Nguyễn Nhạc đã lấy được lòng cha bà là vị tù trưởng. Bà đã vận động cha và dân trong vùng ủng hộ cho nghĩa quân Tây Sơn 300 thớt voi, 400 ngựa và hàng trăm gùi lương thực.

Kể từ đó công việc của bà gắn với hoạt động của nghĩa quân. Hiện nay dưới chân núi Ca Noong thuộc thôn Tú Thủy, xã Nghĩa An, huyện K&;Bang hiện còn cánh đồng chừng 20ha, gọi là cánh đồng Cô Hầu, và một vườn khoảng 500 cây mít, vẫn còn những cây mít cổ thụ, đến mùa vẫn ra sai quả. Đây là nơi bà Ja Dok khai phá để sản xuất nuôi quân. Ngày đó từ thị trấn An Khê đi về phía nam là con đường độc đạo bé xíu, nhưng bà và Nguyễn Nhạc cũng đã đi cả trăm dặm đường vào tận làng Đê H&;lang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, dưới chân núi Ja Prum để thuyết phục đồng bào Ba Na nơi đây đi theo cuộc khởi nghĩa.

Từ thị trấn huyện Kông Chro vào khu di tích “Tây Sơn Thượng Đạo” chừng 5 km đường quanh co, nhỏ hẹp. Tại đây, hiện giờ còn dấu tích của nền nhà, nhiều mảnh ngói vảy cá, một hồ nước xây bằng đá tổ ong và kho tiền ông Nhạc. Mỗi khi đi qua đây, người dân tộc Ba Na vẫn bày tỏ niềm kính cẩn. Họ nói rằng, đó là nền nhà của Nguyễn Nhạc. Cách nền nhà 500m, trong một hốc đá kín đáo bên bờ suối có nhiều đồng tiền xu bằng đồng, gọi là “kho tiền Nguyễn Nhạc”. Trong đợt khảo sát năm 1990, ngành văn hóa thông tin tỉnh Gia Lai sưu tầm được 15 đồng tiền xu gửi tặng Bảo tàng Quang Trung ở Bình Định.

Người dân vùng này kính trọng gọi bà Ja Dok bằng tên ngọn Ja Prum, ngọn núi cao nhất trong vùng. Sau khi bà mất đi, người Ba Na đã an táng bà trên ngọn núi cao nhất phía đông và lấy tên bà đặt cho ngọn núi, núi Ja Dok. Ngày nay dân làng Si Tơ và cả anh hùng Núp ngày còn sống, vẫn cho rằng trong làng vẫn còn dòng giống của nữ chúa.