• Sức khỏe
  • Bệnh trầm cảm là một phần gánh nặng của xã hội

Bệnh trầm cảm là một phần gánh nặng của xã hội

Số người bị trầm cảm ngày một tăng cao, nhiều hệ lụy từ đó cũng xảy ra, đến nay căn bệnh này đang được coi là một gánh nặng của xã hội và cần được ngăn chặn kịp thời.

Bệnh trầm cảm là một phần gánh nặng của xã hội

Cuộc sống hiện đại mang đến cho con người nhiều tiện ích, tiện nghi giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Nhưng cùng với đó, khi mọi thứ ngày càng khó khăn hơn, trước những áp lực hàng ngày đến từ nhiều khía cạnh khác nhau như việc học tập, công việc, tình cảm và các mối quan hệ xung quanh, nó làm người ta dễ mắc bệnh trầm cảm mà không hề hay biết.

Trầm cảm ở một cá nhân thường chỉ xuất hiện thông qua những biểu hiện tâm lý thông thường, nó khiến nhiều người lầm tưởng đó chỉ là xu hướng vốn có khi tâm lý bị khủng hoảng. Trong một khoảng thời gian nhất định, bệnh sẽ dần lớn dần lên theo từng giao đoạn, với nhiều triệu chứng rõ rệt hơn. Vì việc điều trị người trầm cảm khá khó khăn, phải kết hợp nhiều liệu phát và cần có thời gian, vì vậy mà đây được xem là căn bệnh gây ra những gánh nặng cho xã hội hiện đại, ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống và kinh tế, không chi riêng người bệnh mà cả những người thân xung quanh.

Tại Bệnh viện tâm thần Quảng Ngãi, mỗi ngày có 150-200 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Trong đó, có đến 50 ca là những bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm cần được tư vấn, giúp đỡ.

Trong xã hội hiện đại, sự phát triển khoa học kỹ thuật cũng như kinh tế luôn tỷ lệ thuận với số người mắc bệnh trầm cảm. Theo khảo sát, ở bất cứ môi trường sống hiện đại nào, trong 20 người sẽ có 1 người mắc căn bệnh tâm lý này.

Quảng Ngãi cũng không nằm quy luật đó khi tỷ lệ người mắc bệnh tìm đến các cơ sở y tế để tìm cách chữa trị ngày càng gia tăng. Điểm đặc biệt của bệnh này là người bệnh thông thường được điều trị tại nhà và sinh hoạt bình thường. Nhưng nếu không được điều trị liên tục, tận gốc, không được quan tâm, chăm sóc phù hợp, bệnh nhân dễ có những suy nghĩ, hành vi làm hại đến tính mạng của bản thân, cụ thể là tự sát.

Được điều trị nội trú tại khoa Tâm thần Nam, Bệnh viện tâm thần Quảng Ngãi hơn 6 tháng, bệnh nhân T.V.T với bệnh trầm cảm nặng đang có chuyển biến tích cực. Trước lúc vào viện, đã nhiều lần anh T. tìm cách tự tử nhưng may mắn được gia đình phát hiện kịp thời. Anh T. tâm sự: Mình lúc nào cũng có suy nghĩ rằng mình là gánh nặng của người thân, gia đình. Mình phải tìm cách chết đi để người thân được sống thoải mái, hạnh phúc.

Thế nhưng từ lúc vào viện, tinh thần bệnh nhân T. đã có suy nghĩ tích cực hơn. Nhưng theo các bác sĩ điều trị, ngoài việc điều trị bằng thuốc, thì những bệnh nhân như T. rất cần sự chăm sóc, quan tâm từ gia đình để người bệnh thoát khỏi bệnh một cách triệt để.

Trên thực tế, có rất nhiều người mắc bệnh trầm cảm trong cộng đồng nhưng vì không được điều trị đúng cách, quan tâm, chia sẻ nên đã có nhiều vụ tự sát đáng tiếc xảy ra. Trong số 4 vụ tự tử trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 2.2017 đến nay, có 2 trường hợp nằm trong diện gặp trở ngại về sức khỏe tâm thần- mắc bệnh trầm cảm.

Bác sĩ Võ Đình Kỳ- Trưởng khoa Tâm thần nam, Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi cho hay: Người bệnh trầm cảm thường có suy nghĩ vô cùng tiêu cực và tính tự ti rất cao. Nếu không được điều trị về tâm lý kịp thời, bệnh sẽ càng ngày càng nặng và người bệnh dễ có những hành vi làm hại bản thân.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ tâm lý, khi người dân có các biểu hiện khác thường về cảm xúc, tư duy và hành động thì nên tìm đến các cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời. Trong đó, người mắc bệnh trầm cảm rất hay có cảm giác buồn, không ham muốn bất cứ điều gì với tư duy nghèo nàn, chậm chạp. Từ đó, người bệnh sẽ bị tác động đến sinh hoạt hằng ngày qua biểu hiện lao động kém hiệu quả, không muốn hoạt động nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi chia sẻ: Bệnh trầm cảm nếu được phát hiện kịp thời sẽ được điều trị khá đơn giản. Thông thường, trong thời gian điều trị liên tục từ 6 tháng đến 2 năm, người bệnh sẽ khỏe mạnh hoàn toàn.

Điều mấu chốt khi điều trị bệnh là người nhà lẫn bệnh nhân không được bi quan về bệnh cũng như cố gắng yên tâm điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, chấp nhận trầm cảm là bệnh về tâm lý và phối hợp điều trị về tâm lý một cách phù hợp bằng thuốc lẫn sự quan tâm của người thân.

Hiện bệnh trầm cảm được nhận định là gánh nặng bệnh tật đứng hàng thứ 3 trong xã hội hiện đại. Dự đoán, đến năm 2030 bệnh này sẽ đứng hàng đầu khi áp lực về tâm lý ngày càng cao đối với người dân. Việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh vượt qua rào cản tâm lý và tránh những hành động làm hại bản thân cũng như ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.